Động lực mới cho báo chí cách mạng Việt Nam

Chiều ngày 21.4, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm (2021-2024) thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (giữa), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng (trái) và Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng chủ trì Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (giữa), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng (trái) và Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng chủ trì Hội nghị

Hội Nhà báo Việt Nam đã đề xuất tiếp tục triển khai và mở rộng chương trình sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% nhằm đáp ứng yêu cầu mới của báo chí trong thời đại chuyển đổi số.

Kết quả nổi bật từ Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ năm 2021 đến 2023, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương là 27,7 tỉ đồng.

Từ nguồn kinh phí này, Chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương và nhận được 4.263 tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Ngoài ra, một thống kê khác cho thấy, từ năm 2021 đến 2024, có 62/63 Hội Nhà báo các địa phương thực hiện và đề nghị quyết toán hơn 25,6 tỉ đồng.

Số tiền này chi trực tiếp cho tác giả 16,7 tỉ đồng; chi tập huấn, hội thảo nâng cao trình độ nghiệp vụ 3,9 tỉ đồng; chi thẩm định, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm 2,7 tỉ đồng...

Đối với các Chi hội cơ quan báo chí ở trung ương, giai đoạn năm 2021 đến 2024, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao là 15,15 tỉ đồng.

Trong giai đoạn này, có 19 Liên chi hội và 172 Chi hội Nhà báo đã thực hiện và quyết toán kinh phí với Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, số tiền hơn 13,7 tỉ đồng.

Chương trình hỗ trợ hơn 5.500 lượt hội viên nhà báo, nhận được 5.529 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí để giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc

Đặc biệt, trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có từ môi trường truyền thông số, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã trở thành nhân tố quan trọng để tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là công cụ then chốt để đội ngũ nhà sáng tạo các tác phẩm có chiều sâu, kịp thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc trên không gian mạng.

Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, Chương trình cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo. Thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ được tổ chức bằng kinh phí hỗ trợ, hàng nghìn hội viên Hội Nhà báo đã được trang bị nhãn quan chính trị sắc bén, kỹ năng tác nghiệp hiện đại, nâng cao khả năng thích ứng với chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các vùng miền.

Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, phóng viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện đi thực tế dài ngày, phản ánh trung thực "hơi thở cuộc sống", tạo sự cân bằng trong dòng chảy thông tin toàn quốc và tạo bước đột phá về chất lượng tác phẩm.

Những tác phẩm được đầu tư từ nguồn hỗ trợ đã trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng; là diễn đàn phản biện xã hội lành mạnh và là vũ khí đấu tranh phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: “Từ kinh phí hỗ trợ đã giúp phóng viên có điều kiện đi thực tế dài ngày, phản ánh trung thực “hơi thở cuộc sống”, tạo bước đột phá về chất lượng tác phẩm”.

“Nhiều bài viết giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người cầm bút”, ông Lợi cho biết.

Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí

Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí

Những tồn tại và thách thức trong triển khai chương trình

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc triển khai Chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn.

Trong đó tỉnh Sơn La (từ 2021 đến 2023) không phân bổ 400 triệu đồng; Tiền Giang (năm 2021) 80 triệu đồng và Lai Châu (2023) là 160 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số Hội Nhà báo được phân bổ kinh phí nhưng không giải ngân hết, như năm 2021 Bình Thuận còn dư 12 triệu đồng; Bình Phước dư 18 triệu đồng; năm 2023 Thừa Thiên Huế còn 34,5 triệu đồng, Đăk Nông 16 triệu đồng, Bến Tre 6,5 triệu đồng…

Cũng như ở các cơ quan báo chí địa phương, có 41 đơn vị báo chí ở Trung ương được phân bổ kinh phí nhưng không thực hiện với tổng số tiền 1,29 tỉ đồng.

Cụ thể, năm 2021 có 10 đơn vị, số tiền không thực hiện 360 triệu đồng; năm 2022 có 16 đơn vị, số tiền còn tồn 505 triệu đồng và năm 2023 có 13 đơn vị, số tiền 425 triệu đồng...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ là trở ngại lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn để có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có quy mô, tầm cỡ, có giá trị xứng đáng với tầm vóc của cách mạng và của cuộc sống”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đề xuất tăng ngân sách và thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ

Về những khó khăn trong việc triển khai Chương trình, báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, về cơ chế thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg vẫn còn nhiều vướng mắc, dẫn tới có địa phương không giao kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh triển khai công tác hỗ trợ.

Một vấn đề khác là Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg theo cơ chế giao nhiệm vụ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, đây không phải là yêu cầu mới phát sinh vì các quy định đã có và nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng (khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước) nhưng vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp cho nên mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm còn rất thấp. Việc hỗ trợ có tính dàn trải, mới tập trung vào những nguồn sáng tạo hiện có mà chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ, là gạch nối, là sự chuyển tiếp của thế hệ đi trước…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa phát triển như vũ bão, các phương tiện truyền thông và mô hình truyền thông trước kia đã không còn thích hợp.

Công nghệ và phương tiện làm báo ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và đào tạo nhân lực.

Thách thức đặt ra là các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin do sự xuất hiện các mạng xã hội và hàng triệu trang thông tin cá nhân.

Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của công chúng - từ chỗ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin.

Trong bối cảnh ấy, kinh tế báo chí ngày càng khó khăn khi chi phí ngày càng cao cho công nghệ làm báo hiện đại và đầu tư nhân lực chất lượng cao.

“Hiện nay, cả ba nguồn thu chính của báo chí đều giảm mạnh. Trong đó, chi ngân sách cho báo chí còn thấp (chi thường xuyên dưới 0,5%, chi đầu tư dưới 0,3%). Nguồn thu từ quảng cáo báo chí sụt giảm, đặc biệt là báo in”, ông Nguyễn Đức Lợi thông tin.

Nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến của các cơ quan báo chí chỉ còn lại khoảng 30%; 70% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Youtube, Tiktok...

“Điều đó dẫn đến việc các cơ quan báo chí đứng trước nguy cơ mất nguồn thu. Một số cơ quan tự hạch toán phải nợ lương cán bộ, phóng viên; không có kinh phí nâng cấp máy móc, phần mềm, thiết bị quay dựng vẫn dùng công nghệ 10 năm trước...”, ông Lợi cho hay.

Trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế thế giới ngày càng biến động phức tạp, nhiệm vụ đối với báo chí càng ngày càng nặng nề, khó khăn với nhiều đặc thù mới, các cấp Hội Nhà báo và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ.

Đặc biệt là có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và có điều kiện “dấn thân” tác nghiệp trong bối cảnh thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

“Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước đều có nguyện vọng chung mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% để đáp ứng yêu cầu mới”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kết luận.

Ông Lợi cũng cho rằng cần bổ sung cơ chế đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho nhà báo tác nghiệp tại vùng thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng và cho phép thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tập trung đào tạo thế hệ nhà báo kế cận.

Việc tăng cường hỗ trợ báo chí chất lượng cao là cần thiết để nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ làm báo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng trong thời đại số.

Đề xuất của Hội Nhà báo Việt Nam về việc tăng ngân sách và thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.

HOÀNG CÚC; ảnh: MẠNH HẢI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/bao-chi/dong-luc-moi-cho-bao-chi-cach-mang-viet-nam-128922.html
Zalo