Tăng phụ cấp ưu đãi, cao nhất 80%: GV mầm non thêm yên tâm làm nghề
Theo dự thảo nghị định mới, phụ cấp cho giáo viên mầm non dự kiến tăng từ 35% lên 45-80%.
.t1 { text-align: justify; }
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo dự thảo, phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non dự kiến tăng từ 35% lên 45 ở các vùng thuận lợi, còn ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là 80%.
Giáo viên vui mừng, yên tâm công tác và cống hiến
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kiều Thụy - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: “Lãnh đạo nhà trường cùng đội ngũ giáo viên đều rất phấn khởi khi biết tin phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non được tăng lên. Hiện tại, mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non tại vùng thuận lợi sẽ tăng 10%, từ 35% lên 45%, chúng tôi thực sự rất vui mừng”.
Hiện nay, cuộc sống của giáo viên mầm non gắn liền với đặc thù công việc phải đi sớm về muộn. Mỗi ngày, giáo viên phải dậy sớm để chuẩn bị bài giảng, đồ dùng học tập và đảm bảo các điều kiện học tập trước khi trẻ đến trường. Buổi sáng, giáo viên phải có mặt từ rất sớm để đón trẻ, đảm bảo an toàn và ổn định sĩ số. Trong quá trình dạy dỗ và chăm sóc trẻ, giáo viên không chỉ dạy học, mà còn chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ và xử lý mọi tình huống phát sinh.
Vào cuối ngày, dù đã kết thúc giờ học chính thức, công việc của giáo viên mầm non đôi khi vẫn chưa dừng lại. Có những trường hợp trẻ được đón muộn do phụ huynh có việc bận đột xuất. Lúc này, giáo viên lại là người ở lại cuối cùng, cùng trẻ chờ phụ huynh đến đón.
Vì vậy, với đặc thù nghề nghiệp, việc tăng thêm một phần thu nhập này có ý nghĩa vô cùng lớn lao, giúp giáo viên mầm non được đảm bảo hơn về mặt tài chính. Đây cũng là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh để giáo viên làm việc tốt hơn và có trách nhiệm hơn nữa với sự nghiệp ươm mầm mầm non tương lai.
Hiện nay, với lương khởi điểm khoảng 5 triệu đồng, cộng phụ cấp, giáo viên mầm non mới vào nghề nhận khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Theo quan điểm của cô Thụy, mức lương nên được tăng thành 7 - 8 triệu đồng/tháng cộng với mức phụ cấp tăng lên 45% sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu cho giáo viên tại thành phố.

Cô Nguyễn Thị Kiều Thụy – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: NVCC
Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, việc tăng phụ cấp ưu đãi không chỉ là sự hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn là sự ghi nhận, động viên kịp thời đối với đội ngũ giáo viên mầm non , đặc biệt là giáo viên đang công tác tại những khu vực khó khăn. Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống cho giáo viên, từ đó giúp họ an tâm công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Cô Liêm cho biết, nhà trường hiện đang nằm ở khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy, trước thông tin dự thảo tăng phụ cấp ưu đãi cao nhất cho giáo viên mầm non tại vùng khó lên tới 80%, nhiều giáo viên trong trường đã bày tỏ sự vui mừng.
“Sau khi gửi thông tin dự thảo tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non vào nhóm chung giáo viên nhà trường, các cô đều rất là vui và cảm động. Trong đó, rất nhiều giáo viên bày tỏ sự phấn khởi khi giáo dục mầm non đang nhận được sự quan tâm xứng đáng, từ đó tạo động lực để đội ngũ giáo viên cố gắng hơn khi có thêm điều kiện để chăm lo cho gia đình, trang trải cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề”, cô Liêm thông tin.
Theo cô Liêm, giáo viên mầm non là một nghề đặc thù, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giáo viên càng gặp nhiều vất vả không chỉ ở việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ, mà còn ngay cả việc di chuyển, ăn ở tại địa phương.
Nhiều giáo viên nhà trường hàng ngày phải đi từ trung tâm xã để mang theo thực phẩm đến các điểm trường. Trong khi đó, giao thông đi lại vô cùng gian nan, có những ngày mưa, giáo viên phải vất vả đi bộ hoặc chật vật lái xe máy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Một ngày làm việc của giáo viên mầm non bắt đầu từ rất sớm, từ 6 giờ sáng đã phải xuất phát tới trường nếu điểm trường ở xa. Đến chiều, sau khi trả trẻ, giáo viên cũng phải dọn dẹp đồ chơi, vệ sinh lớp học và phải đến 6 giờ tối mới bắt đầu về nhà, thậm chí, nếu phụ huynh đi làm về muộn, giáo viên phải ở lại đợi phụ huynh đón con.
Ngoài ra, giáo viên mầm non không chỉ chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp. Sau khi về nhà vào buổi tối, các cô vẫn phải tiếp tục làm đồ dùng, đồ chơi để phục vụ cho các hoạt động của ngày hôm sau.
Chia sẻ với phóng viên, cô Văn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bày tỏ, đây là một chính sách hết sức thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu và đặc thù của nghề giáo viên mầm non.
Cô Huệ phân tích, so với cấp học khác, thời gian làm việc của giáo viên mầm non rất dài, từ sáng sớm cho đến tối muộn. Cùng với đó, giáo viên mầm non phải túc trực liên tục, từ giờ đón trẻ cho đến lúc trả trẻ cuối ngày, thậm chí còn phải ở lại muộn hơn khi phụ huynh đón con muộn.
Do đó, việc dự thảo tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 45% đối với vùng thuận lợi và 80% đối với vùng khó khăn là vô cùng cần thiết. Mức phụ cấp này không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến thầm lặng của các cô, mà còn là yếu tố quan trọng giúp họ trang trải cuộc sống và yên tâm công tác.
Đồng thời, việc điều chỉnh mức phụ cấp này sẽ giúp giáo viên mầm non yên tâm gắn bó với nghề và trang trải cuộc sống. Khi đời sống được đảm bảo và những cống hiến được công nhận, giáo viên sẽ có thêm động lực để tiếp tục cống hiến. Ngoài ra, điều này cũng góp phần gỡ khó về nguồn tuyển giáo viên mầm non và thu hút sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Mong muốn gỡ khó về xét thăng hạng và nhà công vụ cho giáo viên
Theo cô Văn Thị Huệ, một trong những bất cập với đội ngũ giáo viên nhà trường hiện nay là chế độ dành cho giáo viên hợp đồng. Hiện tại, giáo viên hợp đồng thay thế giáo viên nghỉ thai sản không được hưởng 35% phụ cấp đứng lớp, trong khi đó, nếu một giáo viên trong trường nghỉ sinh, việc tìm giáo viên hợp đồng thay thế đủ điều kiện và sẵn sàng làm việc là rất khó khăn, một phần cũng vì chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn.
Vì vậy, cần có thêm sự quan tâm về chế độ phụ cấp xứng đáng dành cho đội ngũ giáo viên hợp đồng của trường mầm non công lập, giúp đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến và gỡ khó về nhân sự cho trường mầm non.
Bên cạnh đó, về quy trình thăng hạng giáo viên mầm non, hiện thủ tục còn phức tạp, rườm rà. Ví như để thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải nộp các giấy tờ có liên quan để chứng minh và phải photo, công chứng. Do đó, nếu đã đủ điều kiện xét thăng hạng thì nên để giáo viên được thăng hạng một cách dễ dàng hơn, không nên yêu cầu làm hồ sơ quá nhiều khâu và rắc rối.

Cô trò học sinh Trường mầm non Hoa Phượng (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh website trường
Trong khi đó, nhằm cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên mầm non, theo cô Nguyễn Thị Liêm, rất cần có thêm nhà công vụ cho giáo viên mầm non đặc biệt là ở những vùng điều kiện khó khăn. Hiện tại, nhiều giáo viên từ các vùng xa về công tác tại các điểm trường không có lựa chọn nào khác ngoài việc thuê nhà dân xung quanh trung tâm xã. Tuy nhiên, những căn phòng thuê này thường là phòng gỗ tạm bợ, không đảm bảo đủ điều kiện sinh hoạt cơ bản và tạo dựng một môi trường sống ổn định cho cả giáo viên lẫn gia đình của họ. Điều này không chỉ gây ra áp lực tài chính mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và sự gắn bó lâu dài của giáo viên mầm non với nghề.
Trước thực trạng trên, cô Liêm bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền sẽ dành sự quan tâm đặc biệt và đầu tư xây dựng thêm nhà công vụ cho giáo viên mầm non. Việc có một chỗ ở ổn định, đảm bảo sẽ là động lực lớn, giúp các cô yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là ở những nơi còn nhiều thiếu thốn về đời sống sinh hoạt cho giáo viên. Một khi gánh nặng về chỗ ở được giải tỏa, giáo viên sẽ có thêm thời gian và năng lượng để chuyên tâm vào chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy và chăm sóc trẻ.
Ngoài ra, hệ số lương theo hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non nên được tương đồng với các cấp học khác. Điều này không chỉ là một yêu cầu về sự công bằng mà còn là cách để nâng cao vị thế của giáo viên mầm non trong xã hội. Khi được hưởng các chế độ đãi ngộ xứng đáng, giáo viên sẽ cảm thấy được trân trọng, có động lực để gắn bó lâu dài và phát triển sự nghiệp, góp phần xây dựng một nền giáo dục mầm non vững mạnh hơn.