Tăng phạt giao thông cần gắn với đạo đức công vụ

Trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có tới 9.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có hàng trăm trẻ em

Từ ngày 1-1-2025, nhiều hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông sẽ bị xử phạt với mức tăng nặng, điển hình là các hành vi vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều... Điều này sẽ tạo tính răn đe mạnh mẽ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và lập lại trật tự giao thông trên cả nước.

Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt cần song hành với nâng cao trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật, nhằm bảo đảm sự công bằng và minh bạch trong xử lý vi phạm.

Theo thống kê, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn là vấn đề nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có tới 9.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có hàng trăm trẻ em. Con số đau lòng này không chỉ phản ánh sự mất mát to lớn mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chế tài xử phạt để giảm thiểu những hành vi nguy hiểm trên đường. Bằng cách "đánh mạnh vào túi tiền" của người vi phạm, các chế tài này sẽ tạo áp lực đủ lớn để người tham gia giao thông phải suy nghĩ kỹ trước khi vi phạm.

Bên cạnh việc tăng mức phạt, chất lượng thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức cũng là yếu tố then chốt. Việc xử lý vi phạm giao thông cần được thực hiện một cách minh bạch, công khai và không thiên vị. Mọi hành vi vi phạm đều phải được xử lý theo quy định, bất kể người vi phạm là ai hay thuộc tổ chức nào.

Thực tế vẫn tồn tại những vấn đề như lợi dụng chức vụ để bỏ qua vi phạm, nhận hối lộ, hoặc "cưa đôi" tiền phạt với người vi phạm. Những hành vi này không chỉ làm suy giảm niềm tin của người dân vào pháp luật mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp chế tài. Do đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh đối với những sai phạm trong quá trình thực thi công vụ.

Ngoài ra, việc nâng cao đạo đức và trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật cũng phải đi kèm với việc trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng giao thông, biển báo rõ ràng, hệ thống tín hiệu hoạt động hiệu quả. Đây là cách để bảo đảm không gây khó khăn cho người tham gia giao thông, từ đó tạo môi trường giao thông minh bạch và công bằng hơn.

Trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn ở mức báo động, việc tăng mức xử phạt là biện pháp tức thời nhưng không thể là giải pháp duy nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh, thay đổi thói quen xấu của người tham gia giao thông. Đặc biệt, việc giáo dục giao thông trong trường học cần được chú trọng để hình thành thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ.

Ngoài ra, nên cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt, giảm thời gian và chi phí xử lý vi phạm, cũng là những giải pháp cần thiết để giảm thiểu những rào cản trong việc thực thi pháp luật.

Nguyễn Đước

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-phat-giao-thong-can-gan-voi-dao-duc-cong-vu-196241231212812805.htm
Zalo