Tăng phân cấp, phân quyền, giảm thời gian làm thủ tục đầu tư dự án
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, Quốc hội nghe tờ trình của chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì xây dựng luật, luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục được bài toán 'có tiền mà không tiêu được', đùn đẩy trách nhiệm và tránh tạo cơ chế xin - cho… trong triển khai các dự án đầu tư công thời gian qua.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi có nhiều điểm mới như: đẩy mạnh phân cấp phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cho phép việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.. cũng như thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư từ đó giải phóng nguồn lực cho sự phát triển.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, quy định phân loại dự án đầu tư công đã được thực hiện từ năm 2015, đến nay, điều kiện về kinh tế, xã hội, năng lực quản lý đã có nhiều thay đổi, do vậy, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án, thực chất là đẩy mạnh phân cấp là cần thiết. Song việc điều chỉnh cần được tính toán theo một tỷ lệ thống nhất giữa các loại dự án.
Về phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, đây là vấn đề quan trọng của địa phương, Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền. Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị đối với dự án nhóm A do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, C.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!