Tăng niềm tin, giảm rủi ro nhờ minh bạch tài chính doanh nghiệp

Một trong những vấn đề quan trọng được các nhà quản lý đưa ra, đó là Việt Nam sẽ tích cực thực hiện kiểm soát các hành vi tham nhũng, rửa tiền thông qua hoạt động của doanh nghiệp (DN), điều này sẽ được thể hiện rõ trong sửa đổi, bổ sung Luật DN lần này.

Cần nghiên cứu và cụ thể hóa quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN vào trong Luật. Ảnh: ST

Cần nghiên cứu và cụ thể hóa quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN vào trong Luật. Ảnh: ST

Ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, thực tế tại nước ta đã phát sinh tình trạng “núp bóng sở hữu” với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát DN thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát DN để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và các cộng đồng xã hội mà còn làm giảm niềm tin, tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực DN và của nền kinh tế. Những hành vi này cần phải được ngăn chặn, phòng ngừa thông qua việc hoàn thiện quy định của pháp luật, trước hết là từ việc sửa đổi, bổ sung Luật DN lần này với những quy định cụ thể, minh bạch về quyền chủ sở hữu hưởng lợi của DN.

Chỉ số bảo mật tài chính (FSI) được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nghiên cứu cho thấy, trong số 112 quốc gia trên toàn cầu được nghiên cứu kết quả về số lượng và đánh giá áp dụng tính minh bạch về quyền sở hữu hưởng lợi năm 2018, chỉ có 34 quốc gia có quy định đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi và 78 quốc gia không có quy định này. Thế nhưng, đến kết quả nghiên cứu năm 2022, kết quả đã có sự đảo ngược khi có tới 79 quốc gia đã có quy định đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi và 33 quốc gia không có quy định này. Theo xu hướng phát triển và cam kết hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng cần nghiên cứu và cụ thể hóa quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN vào trong Luật.

Việt Nam sẽ tích cực kiểm soát các hành vi tham nhũng, rửa tiền thông qua hoạt động của DN. Ảnh minh họa

Việt Nam sẽ tích cực kiểm soát các hành vi tham nhũng, rửa tiền thông qua hoạt động của DN. Ảnh minh họa

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo phù hợp với thực tiễn trong nước, Dự thảo Luật DN sửa đổi, bổ sung được Bộ Tài chính soạn đã nêu rõ khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi của DN: Là cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của DN; hoặc là cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của DN; hoặc là cá nhân cuối cùng có quyền chi phối hoạt động DN. Theo đó, quyền chi phối DN cũng được quy định rõ hơn nhờ sửa đổi điểm c khoản 23 Điều 4 theo hướng quyền chi phối DN là cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của DN đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty.

Đồng thời, nghĩa vụ của DN và người có liên quan đối với vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi được quy định rõ: DN phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký DN, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của DN; thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và các báo cáo; trường hợp phát hiện còn thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát

Đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết thêm, nhằm đảm bảo rõ ràng, dễ thực thi, Dự thảo quy định DN phải có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm đăng ký thành lập DN. Trường hợp DN không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập DN thì DN phải thông báo kịp thời trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, DN phải lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của DN tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty. Thông tin về tất cả các chủ sở hữu hưởng lợi phải được lưu trữ trong suốt quá trình hoạt động và ít nhất 5 năm sau ngày DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Người đại diện theo pháp luật của DN phải thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho DN về DN mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc là chủ sở hữu hưởng lợi, có cổ phần, vốn góp tại DN.

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải lưu trữ thông tin về tất cả các chủ sở hữu hưởng lợi của DN trong suốt quá trình hoạt động và ít nhất 5 năm kể từ ngày DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động (Dự thảo Luật DN sửa đổi, bổ sung).

Đại diện cơ quan soạn thảo nhận định, cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn nhờ quy định DN phải cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của DN theo quy định của pháp luật và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của DN.

Theo Bộ Tài chính, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ bắt buộc phải đưa vào hồ sơ đăng ký DN. Nội dung hồ sơ, trình tự, thủ tục và biểu mẫu sẽ được quy định tại Nghị định về đăng ký DN sau khi Luật DN được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, liên quan đến việc khai thác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ được bổ sung bằng quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN để thực hiện các nhiệm vụ công tác về phòng, chống tội phạm. Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin này. Cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ yêu cầu DN báo cáo, cung cấp thông tin khi cần thiết nhằm phục vụ việc xác minh, đối chiếu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Căn cứ thông tin được cung cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh phải lưu trữ thông tin về tất cả các chủ sở hữu hưởng lợi của DN trong suốt quá trình hoạt động và ít nhất 5 năm kể từ ngày DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Khi có thay đổi về thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của DN, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cập nhật và lưu trữ thời điểm bắt đầu và kết thúc vai trò của các chủ sở hữu hưởng lợi này.

Trách nhiệm của chủ sở hữu hưởng lợi cũng được bổ sung bằng quy định chủ sở hữu hưởng lợi của DN có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin của mình cho DN để thực hiện nghĩa vụ kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi theo quy định của pháp luật./.

PHÚC KHANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-niem-tin-giam-rui-ro-nho-minh-bach-tai-chinh-doanh-nghiep-39104.html
Zalo