Sóc Trăng phát triển nuôi cá rô phi đơn tính để xuất khẩu

Ngoài thế mạnh nuôi tôm xuất khẩu, tỉnh Sóc Trăng còn có lợi thế khác là nuôi cá rô phi đơn tính. Hiện nay, tỉnh đã có doanh nghiệp xây nhà máy chế biến cá rô phi xuất khẩu công suất khoảng 200 tấn/ngày, góp phần đa dạng vật nuôi và mặt hàng xuất khẩu thủy sản ở Sóc Trăng cũng như các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Thu hoạch cá rô phi đơn tính ở Sóc Trăng - Ảnh: L.X.C

Thu hoạch cá rô phi đơn tính ở Sóc Trăng - Ảnh: L.X.C

Ngày 30.3, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Môi trường Sóc Trăng cho biết: "Ngoài mũi nhọn là nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, hiện tỉnh đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, phục vụ xuất khẩu".

Theo ông Chân, Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 50.000ha, chủ yếu theo mô hình công nghiệp, góp phần cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn và khu vực. Năm 2024, Sóc Trăng xuất khẩu tôm đạt trên 1 tỉ USD. Hai tháng đầu năm 2025, Sóc Trăng xuất khẩu tôm đạt khoảng 143 triệu USD, tăng trên 17% so cùng kỳ.

"Ngoài ra, vùng ven biển của Sóc Trăng rất có tiềm năng để phát triển mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Qua thử nghiệm, bà con nuôi rất thành công. So với nuôi tôm, nuôi cá rô phi ít rủi ro, chi phí đầu tư cũng thấp hơn nuôi tôm. Không chỉ tập trung phát triển diện tích nuôi, dấu hiệu tích cực là có doanh nghiệp tiên phong xây dựng nhà máy chế biến. Điều này không chỉ góp phần tiêu thụ nguyên liệu, đa dạng hóa vật nuôi, phục vụ xuất khẩu mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ”, ông Ngô Thái Chân cho biết.

Cá rô phi đơn tính - Ảnh: L.X.C

Cá rô phi đơn tính - Ảnh: L.X.C

Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tài Kim Anh (Sóc Trăng) cho biết công ty đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến cá rô phi tại khu công nghiệp An Nghiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Dự kiến tháng 7.2025, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, công suất chế biến 200 tấn/ngày, gồm các mặt hàng như cá rô phi phi lê, nguyên con và nhiều sản phẩm giá trị gia tăng.

Được biết, không chỉ Công ty TNHH Tài Kim Anh, một số doanh nghiệp khác ở miền Tây đang nuôi tôm, chế biến xuất khẩu tôm cũng có hứng thú với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính.

Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết ngoài nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao rất thành công, công ty đang đầu tư nuôi cá rô phi đơn tính.

Ao nuôi cá rô phi đơn tính - Ảnh: L.X.C

Ao nuôi cá rô phi đơn tính - Ảnh: L.X.C

Theo ông Phục, thịt cá rô phi đơn tính nuôi vùng ven biển vừa thơm vừa ngọt. “Sau khi phi lê chế biến các mặt hàng giá trị, khách hàng nước ngoài ăn thử khen ngon và rất hài lòng. Chúng tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi để phục vụ xuất khẩu, vừa chủ động nguyên liệu, vừa phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc”, ông Phục nói.

Cá rô phi là một loài cá xuất xứ từ châu Phi. Đây là một trong những loài cá được nuôi đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, ngành nuôi cá rô phi đang phát triển vượt bậc và tạo ra quy mô công nghiệp tại nhiều quốc gia.

Cá rô phi đơn tính có màu hơi ngả tím, vảy sáng bóng, từ lưng xuống bụng có 9 - 12 sọc đậm song song nhau. Phần vi đuôi có những đường sọc đen sậm màu song song từ phía trên xuống phía dưới. Phần vi lưng có những sọc trắng chạy song song trên nền xám đen. Viền vi lưng và vi đuôi có màu hồng nhạt.

Cá rô phi đơn tính là giống cá có giá trị thương phẩm cao, khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường tốt, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, bà con hoàn toàn có thể tìm hiểu và áp dụng nuôi loài thủy sản này.

V.K.K- Lương Xuân Cao

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/soc-trang-phat-trien-nuoi-ca-ro-phi-don-tinh-de-xuat-khau-230974.html
Zalo