Tăng nguy cơ đông máu khi dùng thuốc giảm đau với thuốc tránh thai
Phụ nữ dùng thuốc giảm đau không kê đơn trong khi uống thuốc ngừa thai, có nhiều khả năng hình thành cục máu đông hơn, một nghiên cứu mới cho thấy.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ đông máu cao hơn ở những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai có chứa estrogen và progestin, so với những phụ nữ sử dụng công thức chỉ có progestin hoặc không sử dụng biện pháp tránh thai bằng hormone.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các loại thuốc giảm đau phổ biến như ibuprofen, diclofenac và naproxen… đã được nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ lịch sử với nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch – VTE (cục máu đông hình thành sâu trong tĩnh mạch) ở chân, đùi hoặc cánh tay, có thể dẫn đến bệnh nặng, tàn tật và trong một số trường hợp là tử vong.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen và progestin làm tăng nguy cơ đông máu. Estrogen là hormone giới tính đóng vai trò chính trong hệ thống sinh sản nữ và progestin, một dạng progesterone tổng hợp, là hormone đóng vai trò trong chu kỳ kinh nguyệt.
Một nghiên cứu lớn được công bố mới đây trên Tạp chí The BMJ, đã bổ sung thêm bằng chứng về cơ chế liên quan đến nguy cơ đông máu này. Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), có liên quan đến việc tăng khả năng hình thành cục máu đông ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
TS. Amani Meaidi, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), tác giả nghiên cứu cho biết: Theo dõi trên 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chúng tôi thấy rằng nguy cơ này cao hơn ở những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp chứa estrogen và progestin, so với những phụ nữ sử dụng công thức chỉ chứa progestin hoặc không dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Mặc dù rủi ro có thể cao hơn nhưng sự cố vẫn ở mức thấp
Mặc dù kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố, có liên quan đến nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi cao hơn, nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, tỷ lệ xảy ra các biến cố này nhìn chung là thấp. Tiến sĩ Oelschlager, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: Các loại thuốc NSAID như ibuprofen và naproxen có hiệu quả giảm đau và có nguy cơ đông máu thấp đối với đại đa số mọi người.
Ở những người tham gia nghiên cứu không sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố, việc sử dụng NSAID có liên quan đến nguy cơ tăng thêm 4 biến cố VTE mỗi tuần trên 100.000 người. NSAID có liên quan đến thêm 11 trường hợp ở phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố có nguy cơ trung bình và 23 trường hợp khác ở phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố có nguy cơ cao.
Xem xét các lựa chọn thay thế cho biện pháp tránh thai và NSAID khi cần thiết
Các biện pháp tránh thai có nguy cơ cao bao gồm miếng dán estrogen và progestin kết hợp, vòng âm đạo và thuốc chứa 50 microgam estrogen. Tiến sĩ Meaidi và nhóm nghiên cứu gợi ý rằng, phụ nữ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chọn các công thức ngừa thai có rủi ro trung bình hoặc thấp hoặc không có rủi ro.
Biện pháp tránh thai có nguy cơ trung bình được định nghĩa là tất cả các biện pháp tránh thai đường uống kết hợp khác (chứa ít hơn 50 microgam estrogen) và thuốc tiêm medroxyprogesterone. Medroxyprogesterone (epo-proverra) được tiêm ba tháng một lần và không chứa estrogen. Các lựa chọn có mức độ rủi ro thấp hoặc không có rủi ro là viên nén, que cấy và dụng cụ tử cung chứa hormone..
Phụ nữ cũng có thể trao đổi về các lựa chọn thay thế NSAID với bác sĩ. Theo TS. Oelschlager, acetaminophen là một loại thuốc giảm đau khác, có nguy cơ đông máu thấp hơn và có thể là một lựa chọn cho những ai muốn tránh dùng ibuprofen, naproxen hoặc diclofenac.
So với ibuprofen và naproxen, diclofenac có nguy cơ cao nhất. Khả năng bị huyết khối tăng gấp đôi so với phụ nữ dùng ibuprofen hoặc naproxen. Diclofenac là một NSAID mạnh hơn ibuprofen và naproxen và có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với các NSAID khác. Một nghiên cứu trước đây trên The BMJ cho thấy, diclofenac có liên quan đến nguy cơ ngừng tim tăng 50%, trong khi ibuprofen có liên quan đến nguy cơ cao hơn 31%.
TS. Morten Schmidt, Bệnh viện Đại học Aarhus ở Đan Mạch cho biết: Nếu cần điều trị bằng NSAID, nên chọn các thuốc khác ngoài diclofenac, cùng với các biện pháp tránh thai nội tiết tố có nguy cơ thấp hơn như viên nén chỉ chứa progestin, que cấy hoặc dụng cụ tử cung.
Tại sao những phương pháp điều trị này có thể làm tăng nguy cơ đông máu
Theo TS. Meaidi, kết quả có thể liên quan đến tác động lên hệ thống đông máu của cơ thể. NSAID được biết là có tác dụng làm tăng kết tập tiểu cầu, thường liên quan đến huyết khối động mạch - đau tim và đột quỵ. Thuốc tránh thai kích hoạt hệ thống đông máu.
Tuy nhiên, làm thế nào hai nhóm thuốc có thể tăng cường hệ thống đông máu theo cách làm tăng nguy cơ huyết khối vẫn chưa được biết rõ. Theo TS. Meaidi, cần nghiên cứu sâu hơn để điều tra cơ chế tiềm năng của sự tương tác giữa hai nhóm thuốc.
Đây là nghiên cứu dựa trên những quan sát từ dữ liệu y tế được ghi lại trước đó so với kết quả từ việc theo dõi trực tiếp một nhóm được kiểm soát, thiếu các thông tin về hút thuốc và béo phì… Những thông tin mà các nhà khoa học cho rằng có thể ảnh hưởng đến kết quả này.
TS. Oelschlager gợi ý rằng, thuốc ngừa thai bằng hormone và NSAID vẫn được coi là an toàn cho phụ nữ trẻ và khỏe mạnh và có thể sử dụng cùng nhau nếu cần. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc rối loạn đông máu, tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn đông máu, béo phì, sử dụng thuốc lá, suy tim, tình trạng tự miễn dịch hoặc phẫu thuật, chấn thương hoặc mang thai gần đây… nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn các thuốc giảm đau và biện pháp tránh thai an toàn hơn.