Tăng mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non:San gánh nặng mưu sinh, thêm nhiệt huyết với nghề

Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là với nội dung điều chỉnh chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non.

Theo đó, việc tăng mức phụ cấp được kỳ vọng sẽ góp phần tạo động lực để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, giữ nhiệt huyết với nghề.

Thu nhập thấp, áp lực công việc cao

Giáo viên Trường Mầm non Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) hướng dẫn học sinh vui chơi. Ảnh: Quang Thái

Giáo viên Trường Mầm non Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) hướng dẫn học sinh vui chơi. Ảnh: Quang Thái

Sự vất vả, áp lực của giáo viên mầm non là đề tài đã được đề cập ở nhiều diễn đàn trong và ngoài ngành Giáo dục, trong bối cảnh không ít địa phương, nhà trường đối mặt với tình trạng giáo viên mầm non chuyển việc, bỏ nghề.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024, cả nước có 7.215 giáo viên mầm non nghỉ việc, chuyển việc, trong đó số nghỉ việc là 1.600 người. Tỷ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 nhiều, tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, nơi mà yêu cầu mức sống cao hơn so với các vùng khác và nhà giáo có nhiều lựa chọn chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên ngày càng khó khăn, nhiều địa phương có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được. Nhiều sinh viên sư phạm không mấy mặn mà với nghề chăm trẻ, bởi đây là công việc vất vả, nhiều áp lực mà thu nhập thấp, khó đủ trang trải sinh hoạt nếu cư trú ở các thành phố lớn. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ngày càng tăng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Dự báo đến năm 2030, cả nước thiếu khoảng 55.400 giáo viên mầm non.

Theo chân các cô giáo mầm non Trường Mầm non Bát Tràng (huyện Gia Lâm) một ngày, phóng viên Báo Hànôịmới càng hiểu thêm nỗi vất vả đặc thù của nghề chăm trẻ. Theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Cô giáo Nguyễn Thị Liên cho biết, hầu hết các cô giáo thường có mặt từ 6h30 sáng, chuẩn bị đồ dùng, dọn dẹp, trang trí phòng học để sẵn sàng đón trẻ. Quy định chế độ làm việc của giáo viên là 6 giờ/ngày nhưng thời gian làm việc thực tế có thể lên tới 8 giờ, thậm chí gần 10 giờ mỗi ngày.

Có con ở độ tuổi mẫu giáo bé, chị Hoàng Thị Khánh Linh, phụ huynh Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Long Biên) cho biết, do công việc của chị ở khu công nghiệp làm theo ca, có hôm hơn 6h đã phải đi gửi con, có ngày 18h mới thu xếp được việc để đến trường đón con. “Tôi rất yên tâm vì dù có gửi sớm, đón muộn, lúc nào ở lớp cũng có ít nhất một cô giáo. Chỉ cần còn một trẻ ở lại lớp, giáo viên cũng đợi phụ huynh đến đón, mới có thể rời trường”, chị Linh bày tỏ.

Dù công việc vất vả như vậy, nhưng thu nhập của giáo viên mầm non so với các cấp học khác hiện đang ở mức thấp nhất. Hệ số lương khởi điểm của giáo viên hạng III ở mầm non là 2,1 (các cấp học khác là 2,34) cộng với mức phụ cấp ưu đãi 35%, tổng tiền lương và phụ cấp của giáo viên mầm non là hơn 6,6 triệu đồng/tháng.

Mong ngóng tăng mức phụ cấp

Học sinh Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy) tham gia các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Minh Khang

Học sinh Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy) tham gia các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Minh Khang

Theo dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, giáo viên mầm non sẽ được hưởng phụ cấp theo ba mức, từ 45% đến 80%, tùy từng địa bàn. Quy định này áp dụng đối với viên chức, người lao động (bao gồm cả người đang trong thời gian tập sự, thử việc, hợp đồng) đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể, mức phụ cấp thấp nhất đối với giáo viên mầm non là 45% (tăng 10% so với hiện nay). Giáo viên làm việc tại các trường mầm non thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ được hưởng mức phụ cấp 60%. Giáo viên làm việc tại các trường mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được hưởng mức phụ cấp 80%.

Gắn bó với huyện miền núi khó khăn nhiều năm, cô giáo Đinh Thị Út, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Phương (huyện Ba Vì) bày tỏ sự phấn khởi khi đón nhận tin vui về đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Theo cô giáo Đinh Thị Út, việc tăng mức phụ cấp ưu đãi không chỉ thêm động lực, mà còn là sự ghi nhận cống hiến của giáo viên mầm non cũng quan trọng như với các cấp học khác. Việc sớm đưa Nghị định vào cuộc sống là mong muốn của tập thể giáo viên mầm non nhà trường. Khi có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, đội ngũ giáo viên sẽ yên tâm gắn bó với nghề hơn.

Theo ghi nhận ở các nhà trường trên địa bàn Hà Nội, hầu hết giáo viên mầm non đều mong ngóng Nghị định sớm được ban hành để việc tăng mức phụ cấp ưu đãi sớm trở thành hiện thực. Theo các cô giáo, đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy sự quan tâm thiết thực đối với cấp học mầm non, bảo đảm công bằng giữa giáo viên làm việc ở các địa bàn khác nhau, động viên, khích lệ những người gắn bó với trường học khu vực khó khăn. Quy định này cũng giúp đội ngũ giáo viên mầm non thêm động lực làm việc, gắn bó bền vững với nghề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính, đối với việc điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non tăng 10% so với quy định hiện hành, chi phí trả lương giáo viên mầm non dự tính tăng thêm 196 tỷ đồng/tháng. Dự kiến, Nghị định sẽ được thông qua vào tháng 7-2025.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-muc-phu-cap-doi-voi-giao-vien-mam-non-san-ganh-nang-muu-sinh-them-nhiet-huyet-voi-nghe-703057.html
Zalo