Tăng mức phạt vi phạm hành chính sẽ tác động tiêu cực đến xã hội

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy, các quy định mới sẽ tháo gỡ nhiều bất cập trong thực tế. Đồng thời, việc không tăng mức phạt như ý kiến đề xuất để tránh tác động tiêu cực đến xã hội.

Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Theo ông, vì sao cần thiết sửa đổi luật trong bối cảnh hiện nay?

Thực tiễn luôn phát sinh những vấn đề đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải theo kịp để điều chỉnh.

Hơn nữa, trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt thực hiện cải cách bộ máy chính quyền địa phương, chuyển đổi số, việc đảm bảo tính liên tục của hoạt động quản lý Nhà nước, không để khoảng trống, không để gián đoạn trong mọi hoạt động là hết sức cần thiết.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy.

Những thay đổi quan trọng nhất trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này là gì, thưa ông?

Cơ quan soạn thảo đã rà soát và điều chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với mô hình tổ chức mới.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước như thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, sửa đổi khoản 2 Điều 53 về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách.

Theo đó, cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước, thay vì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 87 về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng những thay đổi trong tổ chức bộ máy...

Nội dung sửa đổi cũng hướng tới những cải cách mới như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính và bổ sung cơ sở pháp lý cho việc xử phạt trên môi trường điện tử.

Ngoài ra, phạm vi sửa đổi sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ và thủ tục, để đơn giản hóa quy trình, giảm gánh nặng cho cơ quan thực thi mà vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như đề xuất tăng mức tối đa phạt tiền không cần lập biên bản vi phạm hành chính từ 250.000 đồng lên 1 triệu đồng với cá nhân, từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng với tổ chức.

Tuy nhiên, việc xử phạt không lập biên bản vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý, lưu hồ sơ theo dõi, có căn cứ rõ ràng. Người bị xử phạt vẫn được đảm bảo quyền khiếu nại, yêu cầu cung cấp thông tin hoặc phản ánh nếu thấy có sai sót.

Liên quan đến vấn đề xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, việc sửa đổi tập trung vào nội dung gì để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn?

Dự thảo luật bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện.

Đối với những trường hợp này, người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường nếu thuộc một trong số các trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn, tang vật còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị hết thời hạn tạm giữ hoặc dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; tang vật, phương tiện có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì nộp tiền thu được vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định xử lý trong trường hợp chấm dứt việc tạm giữ đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo hướng "trả lại theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ", nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của bên nhận bảo đảm.

Những quy định này sẽ góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý, khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời, tránh thất thoát, lãng phí tài sản.

Vừa qua, có một số ý kiến đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm giao thông để tăng sức răn đe. Ông nhìn nhận thế nào về những ý kiến này?

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật, từ kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy, cũng có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh tăng mức tiền phạt, đặc biệt trong bối cảnh mức tiền phạt hiện hành trong một số lĩnh vực quản lý không còn đủ răn đe, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc tăng mức phạt quá cao. Như một số đại biểu Quốc hội trao đổi, nếu tăng mức phạt tối đa vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng thì sẽ có nhiều trường hợp tài xế "bán xe mới có tiền nộp phạt".

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình với mức phạt nghiêm để trừng trị, phòng ngừa nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể, thu nhập của mỗi người dân, vì có trường hợp "tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe" nên tài xế bỏ xe luôn…

Về quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo, sau quá trình rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định, thẩm tra và đánh giá tổng thể phạm vi sửa đổi luật lần này, chúng tôi đã tham mưu, báo cáo Chính phủ xác định rõ phạm vi sửa đổi là "không điều chỉnh các nội dung có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có vấn đề tăng mức xử phạt vi phạm hành chính".

Vì đây là nhóm vấn đề rất nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Với quan điểm đó, dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 không đề xuất điều chỉnh tăng mức tiền phạt tối đa đối với bất kỳ lĩnh vực quản lý Nhà nước nào.

Các đề xuất liên quan đến việc tăng mức phạt sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và trình Quốc hội xem xét khi thực hiện sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính, với điều kiện bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ hơn trong thời gian tới.

Cảm ơn ông!

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tang-muc-phat-vi-pham-hanh-chinh-se-tac-dong-tieu-cuc-den-xa-hoi-192250525171705519.htm
Zalo