Tăng mức phạt tiền vi phạm PCCC lên nhiều lần giúp bảo vệ tính mạng người dân
Theo chuyên gia, việc tăng mức phạt tiền vi phạm PCCC lên nhiều lần giúp bảo vệ tính mạng người dân
Tăng mức phạt tiền vi phạm PCCC lên nhiều lần
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Công an soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025 tới đây. Để phù hợp, thống nhất với luật mới, nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH sẽ được điều chỉnh; đồng thời sẽ nâng mức tiền xử phạt. Dự thảo gồm 4 chương, 41 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_65_51445633/2fb007b533fbdaa583ea.jpg)
Đáng chú ý, tại dự thảo đề xuất nâng mức phạt tiền lên nhiều lần đối với một số vi phạm về PCCC trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực PCCC và CNCH, đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Cụ thể, đề xuất phạt tiền 6 - 8 triệu đồng (hiện hành 2 - 5 triệu đồng) với hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy. Phạt tiền 10 - 15 triệu đồng (hiện hành 5 - 10 triệu đồng) với hành vi sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không bảo đảm hệ thống điện phục vụ PCCC.
Phạt tiền 25 - 30 triệu đồng (hiện hành 15 - 25 triệu đồng) với hành vi không có hệ thống điện phục vụ PCCC; phạt 3-5 triệu đồng với hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan phòng cháy; hành vi không tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép bị đề nghị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.… Đặc biệt, dự thảo quy định một nội dung hoàn toàn mới, đó là phạt tiền 40 - 50 triệu đồng với hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất mức 15 - 25 triệu đồng với hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng). Mức phạt tăng lên 30 - 40 triệu đồng với hành vi không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy; làm mất tác dụng của đường giao thông dành cho chữa cháy (hiện nay là 5 - 10 triệu đồng). Riêng với hành vi báo cháy giả, báo tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ giả, Bộ Công an đề xuất mức phạt 5 - 10 triệu đồng. Lỗi này đang áp dụng theo quy định hiện hành là 4 - 6 triệu đồng với cá nhân, với tổ chức 8 - 12 triệu đồng.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH nhằm bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, phù hợp với thực tế, góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vòng 60 ngày, và dự kiến có hiệu lực khi Luật PCCC 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tới đây.
Bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân bằng việc nâng cao mức xử phạt vi phạm PCCC
Liên quan đến nội dung này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho rằng Dự thảo này được coi là một văn bản quan trọng để triển khai thực hiện Luật PCCC: "Việc ban hành Nghị định là rất cần thiết và so với quy định hiện hành có một số điểm đáng lưu ý như Nghị định đã quy định về thời hiệu xử phạt, có thể là 1 năm hoặc tính lại kể từ thời điểm có hành vi trốn tránh việc xử phạt. Điểm mới nữa là quy định chi tiết với các vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ do cá nhân hoặc tổ chức cung cấp. Về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục thì lần này đã được quy định minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu hơn. So với Nghị định 144, Dự thảo Nghị định lần này đã tăng mức phạt tối đa với cá nhân là 50 triệu và tổ chức là 100 triệu. Một hành vi vi phạm có thể bị phạt cảnh báo, phạt tiền và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả".
![Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho rằng việc tăng mức phạt tiền vi phạm PCCC lên nhiều lần giúp bảo vệ tính mạng người dân](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_65_51445633/ab119a14ae5a47041e4b.jpg)
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho rằng việc tăng mức phạt tiền vi phạm PCCC lên nhiều lần giúp bảo vệ tính mạng người dân
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, nhất là ở các đô thị lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Các hành vi vi phạm đã có quy định nhưng chưa rõ ràng, chế tài xử phạt vi phạm hành chính dừng ở mức răn đe, chưa tương xứng với thiệt hại mà hành vi đó gây ra.
"Mức phạt hiện nay chúng tôi đánh giá là thấp và còn khiến người dân chủ quan nên với việc tăng mức phạt và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, chúng tôi coi là biện pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định và giảm thiểu các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCCC. Việc nâng cao mức phạt đánh trực tiếp vào túi tiền của cá nhân sẽ giảm các hành vi vi phạm, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân và các lợi ích to lớn cho xã hội", bà Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ.
Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho biết thêm, đến ngày 1/7/2025 khi Luật PCCC có hiệu lực thì đồng thời các Nghị định và Thông tư hướng dẫn cũng sẽ có hiệu lực theo. Từ thời điểm này, trách nhiệm của Hiệp hội sẽ tuyên truyền, phổ biến, phối hợp với các trường học, các khu công nghiệp, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao để tổ chức các chương trình phổ biến pháp luật, trong đó có tuyên truyền về các hành vi vi phạm và mức xử phạt để khi Luật và các Nghị định có hiệu lực sẽ giảm được các hành vi vi phạm.