Tăng mức phạt để kéo giảm tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, với con số thiệt hại về người và của ngày một tăng cao đến mức báo động nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông. Để giảm tai nạn giao thông, từ ngày 1/1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện theo Nghị định 168 của Chính phủ (Nghị định 168) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...

Ở các đô thị và thành phố lớn hình ảnh chen lấn, không ai chịu nhường ai khiến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, có nhiều người không tuân thủ luật vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, chạy lấn tuyến, chạy vượt đường, không có khái niệm nhường đường, kể cả cho người đi bộ là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Uống rượu bia khi tham gia giao thông cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ, tết, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông vì người lái xe uống rượu, bia luôn cao hơn những ngày bình thường. Mặc dù đã được siết chặt trong đào tạo và cấp bằng lái xe nhưng hiểu biết Luật Giao thông đường bộ cũng như kỹ năng lái xe của nhiều tài xế khi tham gia giao thông còn hạn chế.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông luôn tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, dừng đỗ sai nơi quy định, phương tiện chở quá tải... Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng cách sử dụng phương tiện kỹ thuật công nghệ cao như hệ thống camera giám sát nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Trong năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên tai nạn giao thông vẫn tăng. Dù lực lượng chức năng đã xử lý 10.951 trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng tai nạn liên quan đến nồng độ cồn vẫn xảy ra, với 165 vụ, 46 người chết, 143 người bị thương… Nghị định 168 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đã chính thức "nâng cấp" mức phạt đối với nhiều lỗi vi phạm. Đây được xem là mức phạt khá nặng nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội. Tại Nghị định 168, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mạnh mức xử phạt. Cụ thể, tài xế ô tô tham gia giao thông vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định hiện hành là 4 - 6 triệu đồng. Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở hoặc 50 - 80 mg/100ml máu sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng. Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn, cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp từ 3 - 30 lần so với hiện hành. Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn phổ biến nhưng mức phạt trước ngày 1/1/2025 được cho là chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều người vẫn còn chủ quan, coi thường an toàn của bản thân và người khác. Tăng mức phạt vi phạm giao thông sẽ tạo ra áp lực tài chính lớn hơn, buộc người tham gia giao thông phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi hành vi. Đây là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông, mà còn mang lợi ích cho toàn xã hội. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng mức phạt rất cao đối với các vi phạm giao thông và đạt được những kết quả tích cực trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác như nâng cao hạ tầng giao thông, tuyên truyền, giáo dục để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan, ban ngành cần thông tin tuyên truyền thường xuyên để giúp người dân hiểu rõ hơn về luật giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành luật. Bên cạnh đó, cần có sự hướng dẫn đầy đủ, chi tiết khi sử dụng mũ bảo hiểm, đặc biệt là mũ bảo hiểm cho trẻ em. Tại các trường học nên thực hiện chương trình giáo dục về an toàn giao thông, các hành vi lái xe an toàn của thanh thiếu niên giúp học sinh có kỹ năng về giao thông nhằm phòng tránh tai nạn khi đi bộ, xe đạp hay xe máy.

Nghị định 168 có hiệu lực thi hành sẽ tạo thay đổi lớn khi tham gia giao thông và là chế tài đủ mạnh sẽ là tiền đề để người tham gia giao thông chủ động thực hiện các quy định của pháp luật. Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng mạnh tay xử lý nghiêm với những người, những hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, từ đó tai nạn chắc chắn sẽ giảm rõ rệt.

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tang-muc-phat-de-keo-giam-tai-nan-giao-thong-127148.html
Zalo