Chứng khoán Việt chờ con sóng lớn
Định giá hấp dẫn, vĩ mô ổn định và câu chuyện nâng hạng là những yếu tố được dự báo sẽ tạo nên một chu kỳ tăng mới cho thị trường chứng khoán.
Định giá hấp dẫn
2024 là một năm không hề dễ dàng đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Ngoại trừ quý I tương đối khởi sắc, thị trường chứng khoán gần như đi ngang trong hầu hết quãng thời gian của năm.
Bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khối ngoại đã bán ròng hơn 3,1 tỷ USD, tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng sau 11 tháng, mức kỷ lục trong 24 năm hoạt động của thị trường.
Mặt khác, thị trường chứng khoán còn bị cạnh tranh bởi rất nhiều kênh đầu tư, tài sản khác như bất động sản, vàng, tiền số. Các vấn đề địa chính trị cũng có tác động lớn theo hướng kém tích cực.
Gần đây nhất, việc ông Donald Trump quay trở lại làm Tổng thống Mỹ tạo nên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của toàn thế giới.
Chia sẻ tại Hội thảo VPBankS Talk #4 "Vững vàng vượt sóng gió", ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) nhìn nhận, những yếu tố trên khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 không thể bứt phá, dù kinh tế vĩ mô và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết phục hồi tốt.
Mặc dù vậy, tình hình có thể thay đổi trong năm 2025. Theo ông Điền, sự phục hồi lợi nhuận trong khi điểm số không tăng tương ứng đã kéo định giá chứng khoán Việt Nam về mức hấp dẫn.
Chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức 12 lần, mức tương đối thấp trong 5 năm vừa qua.
“Nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết duy trì mức tăng trưởng 20% trong năm nay và từ 20 - 25% trong năm sau thì định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận”, ông Điền nhìn nhận.
Bên cạnh yếu tố định giá đang trở nên hấp dẫn, những thông tin vĩ mô trong năm 2025 dự kiến cũng sẽ ủng hộ tích cực cho thị trường.
Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đang đẩy nhanh các giải pháp nhằm đáp ứng các điều kiện cuối cùng theo các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn ngoại. Trong đó, đi đầu sẽ là dòng tiền từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài dự kiến giảm bớt cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Câu chuyện nâng hạng thị trường là chất xúc tác thu hút vốn, bên cạnh tăng trưởng kinh tế ổn định. Với việc FED đã đi tới cuối chu kỳ tăng lãi suất và chuẩn bị nới lỏng, dòng vốn nhiều khả năng sẽ tìm tới các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
“Thị trường chứng khoán Mỹ dường như đang được định giá quá cao. Khi dòng vốn rút khỏi thị trường này, các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ hưởng lợi. Cùng với chính sách cải cách, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn quay trở lại”, ông Thế Anh nhận định.
Vượt 1.400 điểm trong nửa cuối 2025
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn tích lũy trước một con sóng lớn, tương tự như những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Theo ông Sơn, từ khi ra đời vào năm 2000 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn tích lũy mang tính lịch sử.
Đầu tiên là giai đoạn năm 2004-2005 trước khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường chứng khoán đã thu hút một lượng vốn lớn và có một con sóng lớn vào năm 2006-2007.
Giai đoạn tích lũy tiếp theo là năm 2014-2016, thị trường chứng khoán sau đó bước vào con sóng mạnh mẽ thứ hai mang tên thoái vốn nhà nước năm 2016-2017.
"Chúng ta đang ở vùng tích lũy mới trong giai đoạn 2023-2024 và kỳ vọng rằng con sóng tiếp theo chính là con sóng nâng hạng thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm 2025", ông Sơn nhìn nhận.
Giám đốc chiến lược VPBankS cho rằng, áp lực bán ròng của khối ngoại và sức ép tỷ giá vẫn sẽ khiến nhà đầu tư e ngại trong thời gian tới. Đây sẽ là yếu tố kìm hãm VNIndex trong nửa đầu năm 2025 và thanh khoản thị trường sẽ khó bứt phá.
Tuy nhiên, thanh khoản sẽ tăng cao trở lại trong nửa cuối năm sau, đặc biệt là giai đoạn sau tháng 8, khi câu chuyện nâng hạng chuẩn bị được kích hoạt. Nếu không có diễn biến bất ngờ, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước và khối ngoại sẽ tham gia tích cực trở lại.
“VPBankS dự báo VNIndex có thể đạt đỉnh trên 1.400 điểm trong năm 2025 và dao động trung bình quanh mức 1.350 điểm”, ông Sơn nhận định.
Chuyên gia VPBankS cũng dự báo thanh khoản trung bình toàn thị trường năm 2025 ở mức cao, trung bình hơn 23.000 tỷ đồng. Dựa trên các dữ liệu lịch sử từ các thị trường nâng hạng khác, dòng vốn ngoại dự kiến sẽ liên tục mua ròng từ cuối năm 2025 cho đến hết năm 2026.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể huy động được 1,7 tỷ USD vốn thụ động và 6-7 tỷ USD vốn chủ động sau khi nâng hạng.
Trong đó, 8 ngành tiềm năng được VPBankS đánh giá sẽ hưởng lợi và tăng trưởng tốt nhất năm 2025 gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp, thép, bán lẻ, dầu khí, cảng biển và dệt may.
"Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một bước ngoặt quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư sẽ có cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ trong thời điểm nửa đầu năm và có thể chốt lời vào nửa cuối năm", ông Sơn chia sẻ.