Tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%
Kể từ ngày 10/5/2025, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng thêm hơn 100 đồng/kWh (tương đương tăng 4,8%). Như vậy, kể từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần tăng giá điện, với mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%…

Giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 100 đồng/kWh từ ngày 10/5/2025.
Chiều 9/5/2025, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân từ mức 2.103,1159 đồng/kWh lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Căn cứ quy định tại Luật Điện lực số 61/2024/QH15 ngày 30/11/2024, Nghị định số 72/2025/NĐ-CP ngày 28/3/2025 của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 22/2025/TT-BCT ngày 26/04/2025 của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán lẻ điện bình quân, với tinh thần hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân và đánh giá kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tiễn, EVN đã có Quyết định số 599/QĐ-EVN ngày 7/5/2025 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 10 tháng 5 năm 2025. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.
EVN cho biết để đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân, EVN đã và đang thực hiện theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
Về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...
Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Trong bối cảnh chi phí khâu phát điện có xu hướng tăng cao những năm gần đây, EVN và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm chi phí với yêu cầu trong năm 2025 tiết kiệm chi phí thường xuyên, sửa chữa lớn phải đạt tối thiểu 10% và phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia vận hành tối ưu hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục.