Tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Ngày 28.11, tại TP. Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang lần IV – năm 2024, giai đoạn 2024 – 2029 với chủ đề 'Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững'.
Đến dự Đại hội có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng và 250 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 97.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang.
An Giang là tỉnh biên giới Tây Nam Tổ quốc; có vị trí quan trọng mang ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh. Dân số của tỉnh trên 2 triệu người, bao gồm 29 dân tộc anh em, trong đó có 4 dân tộc tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng sinh sống ổn định lâu đời.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối và chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc, thời gian qua, An Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, Nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS…
Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh được quan tâm đầu tư đồng bộ. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy; Quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố vững chắc, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững...
Song song với những kết quả đó, lãnh đạo tỉnh An Giang nhìn nhận một số công tác chưa đạt kết quả tốt, như: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc cần quan tâm hơn nữa, nhất là công tác giảm nghèo dân tộc thiểu số; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng lúc, từng nơi vẫn tiềm ẩn nhân tố phức tạp….
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV - năm 2024 đề ra mục tiêu ưu đến năm 2029, thu nhập bình quân của người DTTS bằng1/2 bình quân chung của tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%.
Đến năm 2029, tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 – 40%; trên 90% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Xóa tình trạng nhà ở tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào DTTS. Quy hoạch sắp xếp nơi ở an toàn cho các hộ DTTS đang cư trú nơi có nguy cơ sạt lở; ngăn chặn tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường sinh thái và nhiều chính sách, chỉ tiêu khác liên quan đến phụ nữ và trẻ em DTTS.
An Giang cũng đặt mục tiêu quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số ở địa phương. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh từ 20, trở lên; cấp huyện, thị xã, thành phố từ 25% trở lên; cấp xã, phường, thị trấn từ 15% trở lên.
Đến dự và phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà biểu dương những nỗ lực, những thành tích mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc tỉnh An Giang, góp phần cùng với đồng bào dân tộc cả nước không ngừng thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.
Tại Đại hội, Thứ trưởng Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị các cấp ủy Đảng, Chính quyền tỉnh An Giang tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc một cách hiệu quả, thiết thực, nhất là các chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cho đồng bào dân tộc.
Đối với đồng bào dân tộc, Thứ trưởng Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà mong muốn, từ những chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con đồng bào tiếp tục tự lực, tự cường, không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục xây dựng vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc; đặc biệt là không tin, không theo, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước làm phương hại đến Tổ Quốc.
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng biểu dương những kết quả đạt được của Ban dân tộc tỉnh. Đồng thời, mong muốn cộng đồng dân tộc tỉnh không ngừng nỗ lực trong học tập và lao động sản xuất sản xuất, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, qua bài phát biểu của Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Nông Thị Hà đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới. Do đó, Đại hội nghiêm túc tiếp thu đưa vào Quyết tâm thư của nhiệm kỳ tới và triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc cho đồng bào, nhất là các chính sách về kinh tế- xã hội; quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ, công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới vững chắc. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.