Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các đại biểu cho rằng cần đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Chiều 29/4, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 với phần thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.
Tham dự và điều hành phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Nguyễn Phương Tuấn cùng các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách của Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan.

Toàn cảnh Phiên họp
Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Luật này được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường tính minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi cho thương mại toàn cầu.
Qua gần 17 năm thực hiện, các văn bản hướng dẫn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên; sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường cho đến khâu sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành đầy đủ.
Đánh giá sau 17 năm thực hiện cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển. Nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm để thể chế hóa thực hiện Chính sách “Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”; thể chế hóa thực hiện Chính sách “Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”; thể chế hóa thực hiện Chính sách “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; thể chế hóa thực hiện Chính sách “Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Ủy viên là ĐBQH chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 132/TTr-CP của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực chất lượng; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 34 điều, bổ sung 15 điều, bỏ 31 Điều trong tổng số 7 chương 72 điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, dự thảo Luật có 06 chương và 56 điều. Nội dung sửa đổi trong các điều tập trung vào 04 nhóm chính sách đã có trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và trình độ phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn
Qua trao đổi, thảo luận, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, việc rà soát những quy định chưa phù hợp trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành để sửa đổi là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại các điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 04 nhóm chính đã được Quốc hội thông qua để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội. Đồng thời, trong quá trình quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến các đại biểu Quốc hội, nếu phạm vi sửa đổi vượt ra khỏi 04 nhóm chính sách này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động chính sách để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Ngoài ra, bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế đã có những thay đổi, trong đó có sự phát triển của nhiều công nghệ mới; quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới trở nên khó lường và phức tạp dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đối với việc lưu thông hàng hóa cũng như nền sản xuất hàng hóa của các nước. Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình quản lý hiện đại, sản xuất xanh, giảm phát thải; sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng để có định hướng đề xuất chính sách quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp, đáp ứng yêu cầu.
Đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Trong khuôn khổ phiên họp, các đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự án Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nội dung nào ngân sách Nhà nước đầu tư, nội dung nào Nhà nước hỗ trợ, nội dung nào khuyến khích xã hội hóa trong quản lý sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, cần bổ sung một số chính sách và luật hóa thành các điều luật trong dự thảo Luật như tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong hoạt động quản lý chất lượng, đặc biệt công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối trong quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chính sách quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chiến lược quốc gia. Điều này góp phần giúp sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam từng bước hài hòa hóa tiêu chuẩn quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật.
Đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh các nội dung quy định về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cho phù hợp với bối cảnh và tình hình mới; bổ sung các quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các loại sản phẩm, hàng hóa...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cũng ghi nhận và giải trình những ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Những ý kiến đều rất xác đáng, thuyết phục để cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình hoàn thiện dự án Luật trước khi gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy phát biểu kết luận phiên họp
Dự án Luật được xây dựng nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, dự án Luật cũng nhằm thể chế hóa các nội dung về đầu tư, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương rà soát, tiếp thu đầy đủ, giải trình rõ ràng các ý kiến đóng góp tại phiên họp; khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong quá trình phục vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị các ĐBQH tiếp tục quan tâm, đóng góp thêm ý kiến trong quá trình thảo luận tại Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng.