Tăng cường tự chủ, năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được kỳ vọng đổi mới toàn diện, tăng cường tự chủ, tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong giáo dục đại học.

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 15/5, tại Trường Đại học Luật TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Tăng cường tự chủ, trách nhiệm giải trình

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã trình bày phần thuyết minh về việc quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).

Ở nhóm chính sách thứ nhất, liên quan đến nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến, dự thảo tập trung xác lập vị trí pháp lý cho một số cơ sở giáo dục đang hoạt động như cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nhằm quản lý tốt hơn và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo dục đại học.

Đồng thời, tăng cường quyền tự chủ và nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDĐH, cũng như hiệu lực quản lý nhà nước.

Trong nhóm nội dung này, đáng chú ý là dự án Luật sẽ phân định rõ ràng giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng cơ sở GDĐH về tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm,…

Đồng thời, dự thảo Luật cũng dự kiến quy định nhiệm kỳ của Hội đồng trường và phân biệt rõ vai trò giữa Hội đồng trường công lập và tư thục.

Về quyền tự chủ đại học, đây được hiểu là quyền chủ động của các cơ sở GDĐH trong việc quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình.

"Sẽ không còn áp dụng tự chủ có điều kiện như luật hiện hành. Tự chủ - trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giáo dục đại học", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh.

 PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM góp ý tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM góp ý tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Bàn về tự chủ đại học, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM chỉ ra một "điểm nghẽn" trong quản trị đại học.

Theo ông Hạ, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, dự thảo Luật sửa đổi cần thống nhất định nghĩa về “cơ sở giáo dục đại học” theo chuẩn mực chung.

Dẫn chứng cụ thể về các trường đại học thành viên trong đại học quốc gia, ông Hạ nhấn mạnh rằng các trường này đã và đang thực hiện đầy đủ chức năng của một cơ sở GDĐH như tổ chức đào tạo, triển khai chương trình đào tạo, cấp bằng...Điều này cho thấy vai trò và vị trí pháp lý rõ ràng của các trường thành viên với tư cách là cơ sở GDĐH.

Do đó, các trường thành viên cần được trao quyền thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và quyền hạn về tự chủ đại học.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã thảo luận sâu về mô hình tổ chức của Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên thuộc đại học vùng và đại học quốc gia.

 TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM góp ý về việc kiểm định chương trình đào tạo và quy định mở ngành. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM góp ý về việc kiểm định chương trình đào tạo và quy định mở ngành. Ảnh: Mạnh Tùng

Huy động nguồn lực tối đa cho GDĐH

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, ở nhóm chính sách thứ tư, dự thảo Luật sửa đổi sẽ tập trung vào việc tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học.

Trong đó, dự kiến quy định việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở GDĐH được thực hiện theo nguyên tắc nâng cao chất lượng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo công bằng trong tiếp cận GDĐH, dựa trên hiệu quả hoạt động; ưu tiên các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phân bổ kinh phí đầu tư cho các cơ sở GDĐH sẽ thống nhất dựa trên các chỉ số chất lượng và hiệu quả hoạt động (KPI), đồng thời tuân thủ các quy định hiện hành về ngân sách và đầu tư công.

Cơ chế học phí sẽ gắn với chất lượng đào tạo, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH trong việc xác định mức học phí.

Ở nhóm chính sách này, dự thảo cũng sẽ giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách.

Mục tiêu là khắc phục những vướng mắc trong quy trình, thủ tục xin phê duyệt các dự án hợp tác với nước ngoài; đồng thời tạo động lực để các cơ sở GDĐH tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

 Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học trình bày phần thuyết minh về việc quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học trình bày phần thuyết minh về việc quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Ảnh: Mạnh Tùng

Ở nhóm chính sách thứ sáu, dự thảo Luật sẽ thay đổi cách tiếp cận trong quản trị chất lượng đối với hoạt động đảm bảo chất lượng.

Theo đó, việc kiểm định cơ sở giáo dục đại học sẽ là bắt buộc, được thực hiện định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Kiểm định chất lượng sẽ bắt buộc đối với các lĩnh vực, nhóm ngành đặc thù như sức khỏe, sư phạm, pháp luật và đối với chương trình đầu tiên thuộc một lĩnh vực đào tạo.

 Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo, lãnh đạo các cơ sở GDĐH đã thảo luận xoay quanh các nhóm vấn đề chính, nhằm hoàn thiện chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).

Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến sự tương thích giữa các điều luật trong Luật Giáo dục đại học, cũng như giữa luật này với các văn bản luật khác.

Về vấn đề mở ngành đào tạo được nhiều đại biểu quan tâm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, việc mở ngành gắn liền với quyền tự chủ của các trường.

Theo đó, dự thảo Luật định hướng chỉ cấp phép mở chương trình đào tạo đầu tiên của một ngành, nhóm ngành, hoặc lĩnh vực ở một trình độ nhất định để đảm bảo sự quản lý thống nhất. Từ chương trình đào tạo thứ hai trở đi sẽ thuộc quyền tự chủ của nhà trường.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi cụ thể với các đại biểu về các nhóm nội dung: Đảm bảo chất lượng GDĐH; Kiểm định chất lượng với các ngành, nhóm ngành; Mở chương trình đào tạo; Công nhận văn bằng, chứng chỉ do cơ sở nước ngoài cấp...

Thứ trưởng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã đóng góp ý kiến và cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-cuong-tu-chu-nang-luc-quan-tri-cua-co-so-giao-duc-dai-hoc-post731266.html
Zalo