Tăng cường triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Để thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án đã và đang có tác động tích cực; tăng cường các nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của đồng bào tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài...

Các sản phẩm dệt thổ cẩm tại Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm tại Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024.

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa... thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, trong đó có hai nhiệm vụ quan trọng là: 1) Hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 2) Hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh đoàn Hà Giang triển khai xây dựng gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hút đầu tư; tổ chức hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại chợ phiên gắn với thương mại, du lịch trên địa bàn 10 huyện trong tỉnh.

Tỉnh đoàn Hà Giang triển khai xây dựng gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hút đầu tư; tổ chức hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại chợ phiên gắn với thương mại, du lịch trên địa bàn 10 huyện trong tỉnh.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công thương và sự vào cuộc tích cực của nhiều địa phương, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có đẩy mạnh các nhoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng cẩm nang giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn đến cán bộ cấp tỉnh, thành phố...

Cùng với đó là tổ chức thành công những điểm bán hàng hai chiều để cung ứng hàng hóa thiết yếu tới bà con vùng dân tộc thiểu số, đồng thời thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của đồng bào đưa về các vùng, miền có đông người tiêu dùng và đầu mối giao thương lớn, từ đó cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc triển khai các hoạt động nói trên đã tạo điều kiện lan tỏa đến các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong cả nước. Chẳng hạn như, với hệ thống phân phối rộng khắp, trong những năm qua, chuỗi siêu thị của MM Mega Market Việt Nam luôn sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất nông nghiệp khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, giúp cho các đơn vị này quảng bá được hình ảnh, thương hiệu để góp phần mở rộng thị trường.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn triển khai "Mô hình thương mại hai chiều" tại xã Quân Hà (huyện Bạch Thông) với trên 100 sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân và khách du lịch.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn triển khai "Mô hình thương mại hai chiều" tại xã Quân Hà (huyện Bạch Thông) với trên 100 sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân và khách du lịch.

Là 1 trong 7 tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng “Mô hình thương mại hai chiều” từ năm 2023, trong gần 2 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã và đang đẩy mạnh triển khai mô hình này tại một số địa phương trong tỉnh. Theo đó, mô hình nhằm mở rộng mạng lưới phân phối các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao, đặc sản đến người dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm; trực tiếp giới thiệu quảng bá, bán sản phẩm đến người tiêu dùng vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân...

Theo đánh giá của ngành chức năng, “Mô hình thương mại hai chiều” ở Bắc Kạn và một số tỉnh được Bộ Công thương hỗ trợ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, nhiều sản phẩm hàng hóa tốt được kiểm soát về an toàn thực phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Đây cũng là một bước để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các kênh tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, “Mô hình thương mại hai chiều” cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được tiếp cận với thị trường trên địa bàn, từng bước nhân rộng và xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường các điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm phong phú về mẫu mã, chủng loại, đảm bảo chất lượng, có giá cả phù hợp với thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai các mô hình, giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn những vấn đề đặt ra cần giải quyết, chẳng hạn như bất cập liên quan đến nguồn hàng và sản lượng. Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Tuy nhiên mỗi khi có nhu cầu tăng thêm thì lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn do các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, sản lượng sản xuất hạn chế. Bên cạnh đó còn là những vấn đề liên quan đến vận chuyển, sự thiếu bền vững của các vùng chuyên canh, quy trình thu hoạch - bảo quản...

Để thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án đã và đang có tác động tích cực. Đồng thời tăng cường các nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của đồng bào tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và xây dựng, đầu tư mới, cải tạo mạng lưới chợ của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.../.

Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ nét ở dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, tiểu dự án 2 của dự án này đã đưa ra mục tiêu là hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền và sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, yếu tố giá trị văn hóa các dân tộc đã được thể hiện cụ thể tại dự án 6 trong chương trình này, đó là bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với du lịch. Trong đó đã đề ra phương hướng rất rõ là khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, về văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch lịch sử văn hóa, đẩy mạnh việc phát triển du lịch xanh gắn với việc tôn trọng yếu tố tự nhiên cũng như văn hóa địa phương, vùng dân tộc thiểu số.

MẠNH DUY

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/tang-cuong-trien-khai-cac-hoat-dong-ho-tro-tieu-thu-san-pham-cua-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-151909
Zalo