VN-Index được 'giải cứu'
Nguồn cung hạ nhiệt giúp dòng tiền 'bắt đáy' lật ngược tình thế và nâng đỡ VN-Index tăng trở lại. Chỉ số chính nhờ đó đảo chiều hồi phục trở lại mốc 1.250 điểm.
Sau phiên “thoát thua” hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam lại gây thất vọng khi mở cửa phiên giao dịch 8/1 trong sắc đỏ. Có thời điểm, VN-Index giảm hơn 7 điểm và thủng mốc 1.240 điểm.
Tuy nhiên, việc dòng tiền “bắt đáy” xuất hiện trở lại trong phiên chiều giúp chỉ số nhanh chóng lấy lại điểm cân bằng và chuyển sang tăng điểm.
Kết phiên, VN-Index tăng 4,07 điểm (+0,33%) lên mốc 1.251,02 điểm. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của VN-Index kể từ năm mới 2025.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đồng thuận tăng lần lượt 0,89 điểm (+0,4%) lên 221,87 điểm và 0,53 điểm (+0,57%) lên 93,54 điểm.
Thanh khoản hôm nay chỉ đạt gần 12.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Tình trạng này chủ yếu do nguồn cung hạ nhiệt nhưng dòng tiền giải ngân cũng chưa thực sự phấn khích.
Bảng điện tử ghi nhận sự áp đảo của sắc xanh. Toàn thị trường có 433 mã tăng (gồm 23 mã tăng trần), 885 mã giữ tham chiếu và 291 mã giảm (gồm 14 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 17 mã tăng, 7 mã giữ tham chiếu và 6 mã điều chỉnh. Dù áp đảo về mã tăng, chỉ số đại diện rổ chỉ tăng nhẹ lên 1.316 điểm.
Động lực “giải cứu” thị trường hôm nay chủ yếu đến từ các mã TCB (+1,3%), CTG (+0,9%), MWG (+1,8%), GVR (+1,2%), MSN (+1,4%), HPG (+0,8%), HVN (+2%), VPB (+0,8%), SSB (+1,8%) và VCB (+0,1%).
Chiều ngược lại, các mã HDB (-3,9%), FPT (-1,2%), VTP (-5,9%), STB (-0,5%), BID (-0,1%), REE (-1,1%), BHN (-3,5%), MBB (-0,2%), FRT (-0,8%) và CMG (-2%) dẫn đầu nhóm ghìm chân chỉ số chính.
Dòng tiền tiếp tục rút lui khỏi nhóm công nghệ, viễn thông. Ngoài các mã kể trên, thị trường còn chứng kiến CTR (-1,1%), VGI (-2,2%), FOX (-1,2%). VTK (-2,2%).
Trong khi đó, nhóm bất động sản hồi phục với DIG (+1,6%), DXG (+3,45), NBB (+1,8%), PDR (+2,4%), CEO (+1,6%)...
Khối ngoại hôm nay mở rộng quy mô bán ròng lên 509 tỷ đồng, chủ yếu do chốt lời FPT (-227 tỷ đồng), STB (-71 tỷ đồng), VTP (-56 tỷ đồng).
Trong khi đó, TCB được gom 102 tỷ đồng, MSN (+41 tỷ đồng), HDB (+34 tỷ đồng).