Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Năm học 2024-2025, huyện Định Hóa có 67 trường học từ cấp mầm non đến THCS, với 19.918 học sinh, số học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là 17.089 em, chiếm 85,8%. Để học sinh DTTS nói, viết tiếng Việt thành thạo, theo kịp chương trình khi vào lớp 1, các trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học thực hiện tăng cường Tiếng Việt đồng bộ cho 1.469 học sinh lớp 1, trong đó có 1.282 học sinh DTTS.

Giờ học tại Trường Tiểu học Kim Phượng (Định Hóa).

Giờ học tại Trường Tiểu học Kim Phượng (Định Hóa).

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Định Hóa, cho biết: Hầu hết học sinh trên địa bàn huyện nói, giao tiếp ở trường mầm non, ở gia đình, ở cộng đồng bằng tiếng Việt nhưng cách trình bày và nói chưa đủ ý, một số học sinh nhận diện chữ cái, chữ số tại lớp mầm non còn chưa thuần thục... Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ của thầy, cô tại trường tiểu học là làm thế nào để trẻ vào lớp 1 được chuẩn bị tiếng Việt một cách tốt nhất. Do đó, các trường đã cử giáo viên tăng cường bồi dưỡng cho học sinh làm quen với cách cầm bút, cách sử dụng sách, vở, đồ dùng học tập, làm quen với các hoạt động nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt...

Nhằm thực hiện có hiệu quả việc dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em người DTTS khi vào lớp 1, Phòng GD&ĐT Định Hóa đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp, cụ thể như: Tổ chức dạy học tăng cường, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS vào lớp 1 trong 2 tuần sau ngày học sinh tựu trường, trước khi khai giảng năm học mới. Giáo viên thực hiện tăng cường, chuẩn bị tiếng Việt là giáo viên biên chế, được dự kiến phân công dạy lớp 1 trong năm học.

Để thực hiện tốt hoạt động dạy học, các trường chủ động tuyên truyền, vận động cha mẹ đưa trẻ đến lớp chuyên cần, thông báo tới gia đình trẻ về kế hoạch giáo dục, thường xuyên trao đổi tình hình của trẻ ở trường, thống nhất biện pháp hỗ trợ trẻ. Các trường tiểu học phối hợp với trường mầm non tổ chức đưa trẻ em lớp 5 tuổi đến làm quen với thầy cô giáo, môi trường vật chất ở trường lớp cấp tiểu học.

Học sinh Trường Tiểu học Quy Kỳ (Định Hóa) trong tiết học tăng cường dạy tiếng Việt.

Học sinh Trường Tiểu học Quy Kỳ (Định Hóa) trong tiết học tăng cường dạy tiếng Việt.

Trong giao tiếp hằng ngày, giáo viên tạo cho học sinh thói quen thường xuyên sử dụng tiếng Việt. Nội dung giao tiếp gắn với các hoạt động chào hỏi, tự thuật, mô tả các sự vật, hiện tượng trong môi trường xung quanh theo các mẫu câu đơn giản giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt và khả năng sử dụng tiếng Việt.

Nội dung dạy học được thực hiện theo tài liệu cuốn “Em nói tiếng Việt” (dành cho lớp 1 học sinh DTTS) gồm 6 chủ điểm (Trường học của em, Bản thân em, Gia đình của em, Thế giới xung quanh em, Em tham gia giao thông, Bản làng của em). Các nhà trường vận dụng linh hoạt những phương pháp, hình thức dạy học: cá nhân, nhóm đôi, cả lớp... làm mẫu, quan sát, thực hành... trẻ được làm quen với thầy cô, bạn bè; làm quen với sách, vở… được học nói từ và câu đơn giản. Giáo viên thiết kế bài học theo các hoạt động cơ bản, đơn giản; đa dạng hóa hoạt động dạy và học, đồng thời linh hoạt về thời gian tổ chức hoạt động cho trẻ, tạo mối quan hệ vui vẻ, cởi mở, thân thiện, gần gũi...

Nhờ tổ chức tốt việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS nên các em bước vào lớp 1 tự tin hơn, mạnh dạn trong giao tiếp... Bên cạnh đó, học sinh được rèn nếp sống tự lập, hình thành các kĩ năng học tập cơ bản, qua đó bước đầu hình thành và phát triển các năng lực giao tiếp tiếng Việt nghe, nói, đọc, viết và kỹ năng ứng xử trong môi trường mới...

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202410/tang-cuong-tieng-viet-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-6fe3465/
Zalo