Hồi chuông cảnh tỉnh từ vụ 'cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua máy tính'

Theo ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên ngành Sư phạm, việc cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua máy tính khiến niềm tin, sự trân trọng, tinh thần 'tôn sư trọng đạo' của phụ huynh và của cộng đồng dành cho giáo viên phần nào giảm bớt.

Sau sự việc cô giáo T.P.H - chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương (Quận 1, TP.HCM) xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua máy tính cá nhân đang gây ồn ào và khiến dư luận bất bình, PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

"Tờ giấy trắng có chấm mực, khi người ta nhìn vào sẽ thấy chấm mực chứ không nói về tờ giấy trắng"

- Là một giảng viên đào tạo sinh viên ngành Sư phạm, cảm xúc của bà thế nào khi nhận thông tin vụ cô giáo ở vận động phụ huynh ủng hộ mua máy tính cá nhân?

ThS. Nguyễn Viết Hiền: Tôi rất buồn khi nghe thông tin này. Sự việc giáo viên vận động phụ huynh "ủng hộ, đóng góp" đã xảy ra không chỉ lần này. Tuy nhiên, sự việc này vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Chương trình đào tạo giáo viên luôn có những nội dung về đạo đức nghề nghiệp, các thầy cô cũng có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ những trường hợp tương tự được cộng đồng chia sẻ rất nhiều qua báo chí, mạng xã hội. Thế nhưng, điều này chưa dừng lại triệt để.

Đây là hành vi do giáo viên gợi ý/đề xuất chứ không phải dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh. Việc mua laptop để giáo viên sử dụng không nằm trong phạm vi có thể vận động phụ huynh đóng góp. Hành vi này vi phạm đạo đức rõ ràng, cô giáo cũng đã bị đình chỉ công tác 15 ngày.

ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

- Đây có thể được coi là trường hợp cá biệt, giống như một gáo nước lạnh dội vào nhiệt huyết lâu nay ngành giáo dục đang cố gắng làm?

ThS. Nguyễn Viết Hiền: Với vai trò là giảng viên đào tạo sinh viên ngành sư phạm, không chỉ tôi mà những giảng viên khác cũng cảm thấy rất buồn. Trường Đại học Giáo dục cũng đặt mục tiêu rèn luyện đạo đức đối với sinh viên ngành Sư phạm là mục tiêu hàng đầu bên cạnh mục tiêu đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sư phạm.

Học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục được đưa vào cho sinh viên từ năm nhất và đánh giá liên tục qua các năm học với mong muốn giúp sinh viên hình thành những giá trị đạo đức của nhà giáo và những giá trị đó được tập trung rèn dũa qua từng năm giúp những giá trị này định hình ngày càng bền vững trong sinh viên. Không chỉ Trường Đại học Giáo dục mà các trường đại học khác đào tạo sinh viên khối ngành Sư phạm cũng rất quan tâm đến điều này, dù nó có thể không định hình thành một học phần riêng biệt như ở Đại học Giáo dục.

Với tâm huyết đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn và có tâm với nghề, sẽ không tránh khỏi những tổn thương, chạnh lòng, hụt hẫng khi đọc những thông tin về các sự việc như trên. Tuy nhiên, điều đó không làm chúng tôi nản chí, chểnh mảng và thay vào đó, chúng tôi càng thêm động lực, thêm sự quyết tâm để rèn giũa đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên.

Sự việc này không chỉ là vấn đề của cô giáo trong sự việc phải gánh chịu hậu quả, mà trường cô giáo công tác nói riêng, ngành giáo dục nói chung cũng phải gánh chịu một phần hậu quả. Niềm tin, sự trân trọng, tinh thần "tôn sư trọng đạo" của phụ huynh, của cộng đồng dành cho giáo viên phần nào giảm bớt. Dù đây là trường hợp cá biệt nhưng nó vẫn ảnh hưởng rất lớn đến ngành. Như ví dụ tờ giấy trắng có chấm mực, khi người ta nhìn vào sẽ thấy chấm mực chứ không nói về tờ giấy trắng.

Bài học cần rút ra

- Không chỉ trường hợp của cô giáo T.P.H. mà thực tế đang có không ít giáo viên khác coi mình như "thượng đế", đòi hỏi phụ huynh, học sinh phải cung phụng. Bài học cần rút ra ở đây là gì, thưa bà?

ThS. Nguyễn Viết Hiền: Đúng là không chỉ trường hợp cô giáo T.P.H mà thực tế vẫn còn có những thầy/cô khác có những hành vi khác vi phạm đạo đức và pháp lý. Tuy nhiên, vi phạm với mức độ nghiêm trọng như cô T.P.H thì tôi nghĩ đây là trường hợp hiếm.

Xét góc độ khách quan, bất cứ ngành nghề nào đều có những "hạt sạn", có những sai phạm. Tuy nhiên, với ngành giáo dục là công việc "trồng người" nên yếu tố sai phạm càng trở nên nghiêm trọng và khiến dư luận dồn sự quan tâm vào đó.

Ảnh chụp những tin nhắn xin ủng hộ mua máy tính cá nhân của cô giáo chủ nhiệm nhắn trên nhóm phụ huynh.

Ảnh chụp những tin nhắn xin ủng hộ mua máy tính cá nhân của cô giáo chủ nhiệm nhắn trên nhóm phụ huynh.

Sự việc trên tiếp tục nhấn chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người đang làm trong ngành phải rút kinh nghiệm sâu sắc để không xảy ra các trường hợp tương tự. Một số bài học rút ra:

Thứ nhất, cơ sở đào tạo ngành sư phạm cần tăng cường nội dung rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ngành giáo dục. Điều đó thể hiện ở tất cả các học phần, các hoạt động của sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, cán bộ quản lý cần lên lịch định kì các buổi chia sẻ về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh đó, cần có sự khen thưởng với các hành vi tốt điển hình và có hình phạt tương ứng với những hành vi sai để cá nhân nếu đã mắc sai lầm thì cần tuyệt đối không tái phạm, đồng thời cũng là để những người khác luôn nhắc nhở bản thân, rút kinh nghiệm để không tái phạm không chỉ hành vi này mà còn các hành vi khác. Tránh tâm lý "mất bò mới lo làm chuồng".

Thứ ba, cán bộ giáo viên cần luôn rèn dũa đạo đức nghề nghiệp, các quy định pháp lý về những hành vi được phép và những hành vi không được phép. Cần giúp đỡ nhau để cùng làm đúng, đồng thời góp ý cho nhau, rút kinh nghiệm cho nhau để không xảy ra các sự việc đáng buồn như trên.

Để bảo vệ con cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, phụ huynh cần làm gì?

- Trong sự việc này có thêm một điều đáng buồn nữa khi phụ huynh "không đồng ý" trước bình chọn do cô T.P.H tạo ra thì cô hỏi người không đồng ý "là phụ huynh của bé nào". Câu hỏi này có thể khiến phụ huynh lo sợ nếu không tự nguyện thì con mình sẽ được "chăm sóc đặc biệt". Bà có thể cho biết, trong trường hợp tương tự, để bảo vệ con cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của cha mẹ, phụ huynh cần làm gì?

ThS. Nguyễn Viết Hiền: Rất nhiều phụ huynh ngày nay họ rất chủ động, hiểu luật, thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân. Nhà trường cũng luôn chia sẻ những thông điệp về việc bảo vệ quyền lợi học sinh, bảo vệ tâm lý học sinh khi đến lớp. Tất cả những hành vi sai phạm đều dần đưa ra ánh sáng.

Vì thế, để bảo vệ con cái cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ huynh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, phụ huynh thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cùng phối hợp nhà trường xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là cách làm đúng đắn nhất.

Có thể sẽ còn một số phụ huynh còn ngại nói ra quan điểm của mình vì sợ rằng con sẽ bị phân biệt đối xử trên lớp, nhưng sự im lặng đó vô tình khiến những hành vi sai phạm càng lặp lại nhiều hơn. Vì vậy, im lặng không phải giải pháp. Sự đối mặt, cùng nhau tìm giải pháp, cùng nhau đối mặt là phương án phù hợp nhất.

- Xin cảm ơn bà!

Phương án mới xử lý vụ "cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua máy tính"

Ông Võ Cao Long - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 1, TP.HCM vừa chính thức cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến vụ việc cô giáo "cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua máy tính" xảy ra tại Trường Tiểu học Chương Dương.

Theo ông Long, lãnh đạo UBND Quận 1 đã họp và thống nhất kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có), không bao che các hành vi vi phạm. Việc xử lý sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận.

Để đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Chương Dương thống nhất cử cô giáo Đinh Thị Kim Thoa - Phó hiệu trưởng nhà trường - sẽ thay cô T.P.H phụ trách việc giảng dạy các em học sinh lớp 4/3 ngay trong sáng nay (1/10).

Trước đó, tối 30/9, Ban giám hiệu Trường tiểu học Chương Dương đã thành lập nhanh tổ công tác gồm đại diện phòng giáo dục, cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường, công đoàn trường, ban thanh tra nhân dân đến gặp gỡ, tiếp xúc với cô giáo H.

Qua vụ việc trên, UBND Quận 1 đã giao Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng GD&ĐT cùng phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu việc kiểm tra thu - chi đầu năm học của các trường trên địa bàn. "Sau sự việc này, thời gian tới Phòng GD&ĐT sẽ chỉ đạo phân công nhân sự theo dõi chia sẻ nắm bắt nội dung của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cũng như xử lý các vấn đề phát sinh", Trưởng phòng GD&ĐT Quận 1, TP.HCM cho biết.

Đỗ Vi (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-chuong-canh-tinh-tu-vu-co-giao-xin-phu-huynh-ho-tro-tien-mua-may-tinh-169241001095222234.htm
Zalo