Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội
Cứ mỗi mùa lễ hội xuân, nỗi lo bị chen lấn, bạo lực, giẫm đạp xin ấn, cướp lộc, 'chặt chém', ăn xin bủa vây, ngộ độc thực phẩm… khiến nhiều du khách thập phương chùn bước. Để mùa lễ hội Ất Tỵ tiết kiệm, văn minh, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có Công văn số 5672/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025.
Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội truyền thống, thuộc nhóm quốc gia có số lễ hội nhiều nhất khu vực cũng như châu lục. Bên cạnh những lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản thì một số lễ hội cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bị biến tướng, có tình trạng lợi dụng lễ hội để thương mại hóa, không đúng với tính chất của lễ hội.
Đơn cử như, trong một số lễ hội còn tồn tại những biểu hiện lãng phí, tình trạng thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, bán hàng rong trái quy định, lừa đảo coi bói, giải quẻ, nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức, giọt dầu tùy tiện... Một số lễ hội còn có hiện tượng bảng, biển quảng cáo tràn lan gây mất mỹ quan, loa đài mở công suất lớn gây ô nhiễm tiếng ồn; vẫn còn các trò chơi cờ bạc ăn tiền như: xóc đĩa, đá gà… ở một số lễ hội. Ở đó, đôi khi giá trị văn hóa của lễ hội bị lấn át bởi cảnh người người chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc một cách bạo lực, phản cảm.
Tại Hội thảo khoa học “Lễ hội Phết Hiền Quan - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, tổ chức”, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH,TT&DL Lương Đức Thắng cho rằng, thời gian qua, Lễ hội Phết Hiền Quan có nội dung diễn ra chưa đúng với truyền thống của lễ hội, đặc biệt là phần tranh phết, dẫn đến bị nhìn nhận tiêu cực, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đây là một lễ hội có nhiều yếu tố phản cảm, bạo lực. Ông Lương Đức Thắng lưu ý, sau 6 năm không tổ chức phần tranh phết, nếu muốn tổ chức trở lại, cần hoàn thiện Đề án đổi mới công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội này cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, loại bỏ các yếu tố, hành vi không đúng với giá trị truyền thống. Trong đó, chú trọng các nội dung như chuyển đổi hình thức tranh phết sang hướng thực hành nghi lễ đánh phết; hạn chế số lượng người tham gia đánh phết; quy định rõ trách nhiệm của BTC, người tham gia thực hành nghi lễ đánh phết, người tham gia hội để tránh hiện tượng tranh cướp, giẫm đạp lên nhau dẫn tới ẩu đả mất kiểm soát.
Hạn chế lễ hội tràn lan gây tốn kém
Bộ VH,TT&DL vừa có Công văn số 5672/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Trong Công văn, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động tham mưu, triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang đậm dấu ấn, góp phần khơi dậy niềm tự hào, bản sắc văn hóa truyền thống dịp Tết cổ truyền của dân tộc, gắn với việc thúc đẩy, thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý; chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm Nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc…
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, hoặc vi phạm quy định về tài chính; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội: kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí…
Từ góc độ địa phương, nhiều Sở VH,TT&DL, Sở Văn hóa - Thể thao cũng bày tỏ mong muốn người dân, du khách nâng cao nhận thức, ý thức về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.