Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao

Sau 10 năm (2014 - 2024) thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao' (viết tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW), công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao của tỉnh Sóc Trăng có chuyển biến tích cực. Theo đó, công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được gắn kết chặt chẽ. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW và các chủ trương của Trung ương đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương để tổ chức thực hiện trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị với nhiều hình thức đa dạng tạo được sự lan tỏa sâu rộng.

Việc tư vấn chính sách, tư vấn học nghề, thông tin về thị trường lao động, việc làm cho thanh niên được thực hiện thường xuyên. Ảnh: NGỌC HẢI

Việc tư vấn chính sách, tư vấn học nghề, thông tin về thị trường lao động, việc làm cho thanh niên được thực hiện thường xuyên. Ảnh: NGỌC HẢI

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đáp ứng yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh đã sáp nhập Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Sóc Trăng, Trường Trung cấp Y tế Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng (giảm 3 đơn vị). Ngoài ra, còn hoàn thành việc sáp nhập 3 trung tâm công lập cấp huyện: trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục hướng nghiệp - kỹ thuật tổng hợp thành trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện (giảm 44 đơn vị). Hiện toàn tỉnh có 23 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN, gồm: 8 cơ sở GDNN và 15 đơn vị, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn; hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề; chương trình, giáo trình, nội dung và phương pháp đào tạo tiếp tục được đổi mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; cơ cấu ngành, nghề đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 150 ngành, nghề đào tạo, với quy mô tuyển sinh đào tạo trên 23.000 người/năm. Trong đó, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đang tuyển sinh đào tạo 9 ngành, nghề trình độ cao đẳng, 4 ngành, nghề trình độ trung cấp, với quy mô tuyển sinh 895 HSSV/năm (trong đó, cao đẳng chiếm 58,10% tổng quy mô tuyển sinh); Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng hiện đang tuyển sinh đào tạo 13 ngành, nghề trình độ trung cấp và 13 ngành, nghề trình độ cao đẳng, với quy mô tuyển sinh 910 HSSV/năm (trong đó, cao đẳng chiếm 49,71% tổng quy mô tuyển sinh); các cơ sở GDNN và các cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có 124 ngành, nghề đào tạo, với quy mô tuyển sinh, đào tạo 21.195 người/năm (trong đó, trình độ sơ cấp chiếm 55,6% tổng quy mô tuyển sinh).

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: NGỌC HẢI

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: NGỌC HẢI

Công tác quản lý chương trình, nội dung và chất lượng GDNN, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, chú trọng các ngành, nghề trọng điểm. Đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng có 9 ngành, nghề được đầu tư ngành, nghề trọng điểm và được quy hoạch là trường cao đẳng chất lượng cao vào năm 2030 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng được quy hoạch là trường cao đẳng chất lượng cao năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu đào tạo tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và thông báo kết quả khảo sát đến các cơ quan, đơn vị có liên quan làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện tuyển dụng, tuyển sinh, đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu của công ty, doanh nghiệp.

Công tác hợp tác quốc tế được tăng cường, nhiều cơ sở GDNN đã gắn kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo và tạo điều kiện cho HSSV thực hành kỹ năng nghề nghiệp, cũng như giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Sự phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Hiện nay, tỉnh đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư vấn du học sinh hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao, đưa HSSV đi học tập (hệ vừa làm vừa học, thực tập sinh ở nước ngoài).

Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bám sát với nhu cầu thị trường. Ảnh: NGỌC HẢI

Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bám sát với nhu cầu thị trường. Ảnh: NGỌC HẢI

Ông Nguyễn Việt Mười - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng thông tin, trường ký kết các chương trình hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực với các doanh nghiệp: Tập đoàn GreenFeed Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Tín Quang, Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công, Tập đoàn Việt Úc, Trường Cao đẳng THACO, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển nguồn nhân lực Hưng Thịnh... Theo đó, HSSV sẽ được các doanh nghiệp phỏng vấn và lựa chọn từ ngay sau khi học những năm đầu, đồng thời được tạo điều kiện về thực tập tại chính doanh nghiệp mình sẽ làm việc sau khi ra trường, thực tập được hỗ trợ chi phí ăn ở.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, ước tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ là 32%. Số lượng, chất lượng lao động của tỉnh ngày càng được nâng lên, từng bước chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Người lao động đã nhận thức được với nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ sẽ phát triển ngày càng mạnh hơn, chú trọng vào những ngành nghề có tay nghề cao để đáp ứng với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, các ngành nghề đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hơn, chất lượng được nâng cao, thu hút đông đảo lao động tham gia học nghề. Và Sóc Trăng đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30% theo Nghị quyết số 188/NQ-HĐND, ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/202412/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-dao-tao-nguon-nhan-luc-co-tay-nghe-cao-35d3209/
Zalo