Tăng cường quyền làm chủ của nhân dân
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sau một quá trình lập pháp công phu, kỹ lưỡng, thể chế đầy đủ quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, tiếp thu có chọn lọc những đóng góp xác đáng của các chuyên gia, kế thừa những điểm tiến bộ và hoàn thiện những bất cập, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, một trong những điểm nổi bật nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 đã bổ sung nhiều nội dung nhằm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quản lý đất đai.
Bổ sung quyền của nhân dân đối với đất đai
Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là yêu cầu và bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ trương luôn được Đảng nhấn mạnh trong nhiều văn bản; đặc biệt trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”. Việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quản lý đất đai còn xuất phát từ đặc trưng của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của nước ta.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta chính thức được xác lập tại Điều 19 Hiến pháp năm 1980 với quy định “đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ… đều thuộc sở hữu toàn dân”. Trên cơ sở đó, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai tiếp tục được duy trì và khẳng định tại Điều 17 Hiến pháp năm 1992 và hiện nay là Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
Nếu so với các Luật Đất đai trước đây, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung thêm nhiều nội dung về quyền của công dân đối với đất đai, cụ thể với 6 nội dung được quy định tại Điều 23. Trong đó, 2 nội dung quan trọng là khoản 1 quy định về quyền “tham gia xây dựng, góp ý kiến, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”; và khoản 2 quy định về quyền “tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai”. Qua 2 nội dung này có thể thấy, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội hiện đã cơ bản được ghi nhận một cách cụ thể và đầy đủ trong Luật Đất đai năm 2024.
Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương và 260 điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo lý thuyết quản trị đất đai, để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trong nền kinh tế thị trường, việc chuyển đổi thể chế quản lý đất đai cần được chuyển đổi theo hướng trao cho người dân khả năng tham gia nhiều hơn vào các quyết định của Nhà nước về đất đai và quá trình quản lý đất đai. Như vậy, việc tiếp tục phát huy quyền của công dân đối với đất đai không chỉ giúp hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, giúp khơi thông nguồn lực phát triển quan trọng này cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, các nội dung quy định về quyền của công dân đối với đất đai trong Luật Đất đai năm 2024 vẫn cần tiếp tục được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc các đạo luật có liên quan với cơ chế thực thi cụ thể để người dân có thể thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả và thực chất những quyền này. Việc quy định cơ chế thực thi quyền của công dân đối với đất đai là bước đầu để thể chế cơ chế thực thi quyền của đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.
Cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin đất đai của Nhân dân
Ngoài các quy định về quyền của công dân đối với đất đai tại Điều 23, Luật Đất đai năm 2024 có một điều luật riêng (Điều 24) về Quyền tiếp cận thông tin đất đai. Theo đó, công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây: (i) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; (ii) kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; (iii) giao đất, cho thuê đất; (iv) bảng giá đất đã được công bố; (v) phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (vi) kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; (vii) thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; (viii) văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; (ix) các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những thành tố quan trọng nhất để một Nhà nước pháp quyền công khai, minh bạch. Sự công khai hóa các hoạt động, thông tin, dữ liệu của các cơ quan nhà nước giúp người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Qua đó, thúc đẩy tăng cường trách nhiệm giải trình, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và từng cơ quan, đơn vị, góp phần đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” từng bước đi vào cuộc sống.
Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của LHQ năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin còn được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của LHQ về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.
Ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và được thể chế thành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Việc quy định cụ thể quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân giúp người dân có thể giám sát hiệu quả của việc ban hành các quyết định và thực hiện công tác quản lý đất đai của các cơ quan nhà nước. Qua đó, góp phần đáng kể trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quy hoạch đất đai
Quy hoạch đất đai nói chung bao gồm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch đất đai chính là hoạt động có ý nghĩa chiến lược, quyết định đất đai được quản lý và sử dụng như thế nào và vào mục đích gì trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Theo đó, người dân là một trong những bên liên quan và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lập quy hoạch đất đai. Thực tế cho thấy, quy hoạch đất đai có tác động rất lớn đến quyền sử dụng đất của người dân; các hoạt động thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dựng, quyền xây dựng công trình trên đất... đều dựa trên quy hoạch đất đai tại địa phương. Do đó, để phát huy quyền làm chủ của người dân, cần hoàn thiện cơ chế để người dân tham gia hiệu quả và thực chất hơn vào quá trình quy hoạch đất đai.
Bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quy hoạch đất đai sẽ giúp cho bản quy hoạch phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân, tiềm năng của đất đai và nhu cầu sử dụng đất tại địa phương tốt hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bảo đảm sự giám sát và quyết định của nhân dân đối với hoạt động quy hoạch đất đai với tư cách là chủ sở hữu của đất đai. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quy hoạch đất đai là điều kiện tiên quyết để phát huy dân chủ trong quản lý đất đai, góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; đồng thời, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, tình trạng quy hoạch “treo” diễn ra khá phổ biến mà phần lớn xuất phát từ việc quy hoạch không phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Từ đó, dẫn đến quy hoạch dù được phê duyệt nhưng không thể triển khai thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án theo quy hoạch cũng theo đó mà ách tắc, hình thành các dự án treo....
So với quy định của Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi, bổ sung năm 2018; Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung đầy đủ hơn về quy trình lấy ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Đặc biệt, đối với việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thêm nhiều hình thức lấy ý kiến khác như: lấy ý kiến thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, UBND cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, điểm dân cư, niêm yết, trưng bày tại nhà văn hóa các thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn. Qua đó, bảo đảm việc lấy ý kiến diễn ra một cách thực chất, người dân khu vực quy hoạch được lấy ý kiến đầy đủ, được phản ánh tâm tư, nguyện vọng đối với dự thảo quy hoạch.
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2024 còn bổ sung quy định về việc phải công bố công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Theo đó, nhằm bảo đảm các ý kiến đóng góp đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tổng hợp đầy đủ, chính xác; bảo đảm các ý kiến được tiếp thu, giải trình khách quan, minh bạch, nghiêm túc và thấu đáo.
Có thể khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 đã cơ bản kế thừa những điểm tiến bộ và khắc phục những bất cập trong Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, nội dung về bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân từng bước được hoàn thiện, tạo tiền đề quan trọng huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của người dân trong hoạt động quản lý đất đai, góp phần hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thêm nhiều hình thức lấy ý kiến khác như: lấy ý kiến thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, UBND cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, điểm dân cư, niêm yết, trưng bày tại nhà văn hóa các thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã, phường, thị trấn. Qua đó, bảo đảm việc lấy ý kiến diễn ra một cách thực chất, người dân khu vực quy hoạch được lấy ý kiến đầy đủ, được phản ánh tâm tư, nguyện vọng đối với dự thảo quy hoạch.