Tăng cường quản lý, ngăn chặn việc phát hành SGK kiểu 'bia kèm lạc'

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường quản lý, đồng thời đề nghị các đơn vị phát hành, nhà trường thực hiện nghiêm túc công tác phát hành sách giáo khoa, không để xảy ra tình trạng 'bia kèm lạc' như một số nơi vừa qua.

Đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt tại hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024 diễn ra ngày 12-12 tại Hà Nội.

Lần đầu tiên việc biên soạn SGK có giáo viên tham gia

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến nay có 7 nhà xuất bản (NXB) tham gia triển khai công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK), gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Huế, NXB Đại học Vinh, NXB Đại học Quốc gia. Ngoài ra còn có 12 công ty cũng tham gia thực hiện biên soạn SGK.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CTV

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CTV

Nếu trước đây, Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có duy nhất NXB Giáo dục Việt Nam được phép xuất bản, phát hành SGK, thì đến khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với quy định một chương trình, nhiều SGK, việc độc quyền SGK không còn. Về phát hành SGK giai đoạn 2021-2023, thị phần của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam từ 100% trước khi thực hiện xã hội hóa, nay còn 71,8%.

Tổng số tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là gần 3.900 người, nhiều gấp hơn 3 lần tác giả biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Đáng chú ý, số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả. Đây là lần đầu tiên việc biên soạn SGK có sự tham gia của đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông.

Tổng số tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là gần 3.900 người, nhiều gấp hơn 3 lần tác giả biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Đáng chú ý, số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả. Đây là lần đầu tiên việc biên soạn SGK có sự tham gia của đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn SGK được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Số tiết thực nghiệm, quy trình tổ chức thực nghiệm bảo đảm theo quy định. Thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương.

Đến nay, việc biên soạn SGK xã hội hóa đã bảo đảm mỗi môn học, hoạt động giáo dục đều có SGK để tổ chức dạy và học, kể cả các SGK có nhu cầu và thị phần rất nhỏ trên thị trường.

Môn mỹ thuật lớp 10, 11, 12 có ít nhất là 1 SGK; môn tiếng Anh tiểu học có nhiều SGK nhất là 10 SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau.

Chấm dứt tình trạng “bia kèm lạc” trong phát hành SGK

Giai đoạn 2021-2023, có 13 đơn vị phát hành SGK, bao gồm Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và 12 công ty. Số lượng đầu SGK của các lớp từ 1 đến 11 là 303. Ngoài NXB Giáo dục Việt Nam có đủ 303 đầu SGK phát hành (100%), thì Công ty Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) có 153 đầu sách (50,1%); các đơn vị còn lại có số đầu sách phát hành nhỏ (từ 0,65% đến 8,9%).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK đã tạo ra sự đa dạng, phong phú nguồn cung và chất lượng SGK, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường có thêm nhiều lựa chọn SGK phù hợp.

Về giá cả SGK, theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam và thông tin giá bìa SGK của các đơn vị khác, giá SGK của các đơn vị phát hành có sự chênh lệch tương đối nhiều. Tính chung, giá SGK của đơn vị khác cao hơn giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam trên 20% (tính theo giá bìa), thậm chí có tên sách giá cao gấp đôi.

Công tác quản lý SGK tiếp tục được tăng cường. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá SGK của các đơn vị và đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị xuất bản SGK đề nghị thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí chung để giảm giá SGK; hỗ trợ cung cấp SGK cho học sinh.

NXB Giáo dục Việt Nam tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NXBGDVN

NXB Giáo dục Việt Nam tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NXBGDVN

Đối với NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 đã kê khai giảm giá SGK tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 và không bao gồm sách tiếng Anh) so với các năm trước. Mức giảm bình quân là 9,6% và 11,2% tùy từng bộ sách.

Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam nhận định, việc xã hội hóa SGK khuyến khích các NXB sáng tạo, đổi mới trong việc thiết kế sách, biên soạn nội dung và phương pháp giảng dạy. Sự cạnh tranh buộc các NXB phải đầu tư nhiều hơn trong việc nghiên cứu và phát triển để xuất bản những cuốn sách có giá trị cao. Tuy nhiên, việc nhiều bộ sách cũng gây khó khăn trong việc dự báo nhu cầu để in ấn, phát hành hơn so với trước đây.

NXB Giáo dục Việt Nam đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh; cung cấp cho đơn vị số liệu học sinh hằng năm nhằm giúp đơn vị có căn cứ xây dựng kế hoạch in SGK để cung ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị phát hành, nhà trường cần chấm dứt tình trạng phát hành SGK kiểu "bia kèm lạc". Thực tế, không có bộ SGK nào vượt quá 300.000 đồng, nhưng thực tế một số nơi đã gộp các loại sách khác nên dẫn đến tình trạng giá SGK tăng cao, gây khó khăn cho gia đình học sinh.

Bộ sẽ xử lý nghiêm sai phạm trong việc lựa chọn SGK; chỉ đạo thanh tra sở giáo dục và đào tạo tăng cường thời lượng thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các nội dung về lựa chọn SGK.

Nhằm tránh lãnh phí, bảo đảm SGK được sử dụng lâu dài, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo sử dụng hiệu quả SGK trong dạy học và ổn định; đồng thời, đề nghị địa phương tăng cường trách nhiệm về lựa chọn, cung ứng, sử dụng SGK; có phương án hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-cuong-quan-ly-ngan-chan-viec-phat-hanh-sgk-kieu-bia-kem-lac-687194.html
Zalo