Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh
Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia giao thông, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông từ nhà trường; thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh rất được chú trọng và diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng học sinh chạy xe máy phân khối lớn (hơn 50cc) vẫn tái diễn chung quanh các cổng trường học. Không những chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn khi tham gia giao thông, nhiều học sinh còn không đội mũ bảo hiểm, hay chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng...
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước. Học sinh Trung học phổ thông có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông kể trên. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng.
Để góp phần giúp học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông từ nhà trường, thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Bằng nhiều hình thức khác nhau, hiện có không ít các mô hình tuyên truyền hay, hiệu quả được triển khai, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.
Chẳng hạn, tại quận Ba Đình, để duy trì thói quen chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với phụ huynh và học sinh, lực lượng Công an quận thường xuyên triển khai cán bộ tuần tra, ứng trực tại khu vực các trường học để nhắc nhở, tuyên truyền đến phụ huynh cũng như học sinh trong việc điều khiển phương tiện đúng quy định. Cùng đó, Công an quận cũng tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến học sinh như: Điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm vi phạm hoặc các hành vi vi phạm khác.
Bên cạnh công tác xây dựng văn hóa giao thông trong trường học, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” cũng là mô hình được quận Ba Đình nhân rộng, nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh…
Cô giáo Lưu Thị Hồng Hạnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình) đánh giá, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông, được các bậc phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Tình trạng mất trật tự, ùn tắc giao thông giờ cao điểm đã được khắc phục, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông trong giáo viên, học sinh, phụ huynh. Cùng với các phong trào khác, mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ý thức kỷ luật và thói quen tốt cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ, tạo môi trường sư phạm an toàn, văn minh, thân thiện.
Tương tự, thầy giáo Cấn Việt Thắng (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình) cho rằng, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã giúp học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong mọi hoàn cảnh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông…
Để nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương và các nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông, trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh…
Phạm Quang Cường (học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Qua những buổi tuyên truyền như thế này đã giúp em hiểu được sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông; đồng thời hiểu và để ý đến các biển báo trên đường nhiều hơn, từ đó biết được đoạn nào có thể quay đầu, rẽ trái, rẽ phải... Việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông không những bảo vệ cho chính bản thân mình, mà còn bảo vệ cho cộng đồng và những người xung quanh”.
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền, giáo dục thì việc quản lý và xử phạt các hành vi vi phạm giao thông của học sinh cũng cần được siết chặt hơn nữa. Xử phạt nghiêm khắc cũng là cách khiến các em ghi nhớ hơn về các quy định khi tham gia giao thông.
Có thể khẳng định, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, và pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng, giúp hình thành và duy trì thói quen ứng xử văn minh, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp phòng ngừa được nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, kèm theo những hậu quả đau lòng khác. Vì vậy, các nhà trường nói riêng, ngành Giáo dục nói chung cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền để học sinh ý thức được nguy cơ, tác hại và hậu quả của việc vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Hình thức tuyên truyền cần được đổi mới, sinh động, hấp dẫn để tránh gây nhàm chán đối với học sinh.
Bên cạnh đó, việc nhà trường cho học sinh, phụ huynh học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật cũng cần đi vào thực chất hơn, kèm theo những chế tài có tính răn đe cao, gắn chặt với kết quả học tập của học sinh. Chính quyền cơ sở cần chung tay với nhà trường trong việc đề ra giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh gửi xe máy phân khối lớn ở các bãi giữ xe chung quanh trường...