AI và đạo đức máy tính: Khi triết học gặp khoa học kỹ thuật

Một khóa học mới tại MIT do các giáo sư Khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính (EECS) và Khoa Triết học đồng giảng dạy giúp sinh viên đối mặt với những tình huống đạo đức trong kỷ nguyên số.

GS. Brad Skow và GS. Armando Solar-Lezama. Nguồn: MIT News

GS. Brad Skow và GS. Armando Solar-Lezama. Nguồn: MIT News

Trong một buổi học của lớp Đạo đức trong Tin học với các giảng viên luân phiên giảng bài gồm GS. Brad Skow, chuyên gia triết học, giúp sinh viên nhìn nhận các vấn đề đạo đức ở cấp độ rộng hơn, và GS. Armando Solar-Lezama mang đến góc nhìn từ khoa học máy tính, GS. Armando Solar-Lezama đặt ra một câu hỏi hóc búa cho sinh viên - câu hỏi mà chính ông vẫn luôn trăn trở trong các nghiên cứu của mình tại Nhóm Lập trình Hỗ trợ Máy tính của MIT: "Làm thế nào để đảm bảo rằng một cỗ máy làm đúng những gì chúng ta muốn, và chỉ làm những gì chúng ta muốn?"

Ở thời điểm hiện tại, khi trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang trong thời kỳ hoàng kim, đây có vẻ như là một câu hỏi cấp thiết và mới mẻ. Tuy nhiên, GS. Solar-Lezama, một trong những chuyên gia hàng đầu về tin học tại MIT, nhanh chóng chỉ ra rằng cuộc vật lộn với câu hỏi này thực chất đã tồn tại từ thuở xa xưa.

Ông bắt đầu kể lại câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Vua Midas - người được ban cho năng lực siêu nhiên biến mọi thứ chạm vào thành vàng ròng. Nhưng điều ước này đã phản tác dụng khi Midas vô tình biến những người thân yêu của mình thành tượng vàng.

"Hãy cẩn thận với điều bạn mong muốn, vì nó có thể được thực hiện theo những cách bạn không ngờ tới," ông cảnh báo sinh viên - những người có tham vọng trở thành lập trình viên và nhà toán học trong tương lai.

Lật giở những tư liệu lưu trữ tại MIT, ông trình chiếu những bức ảnh đen trắng ghi lại lịch sử phát triển của lập trình. Từ cỗ máy Pygmalion những năm 1970 - yêu cầu con người cung cấp những hướng dẫn chi tiết một cách phi thường - cho đến phần mềm máy tính cuối những năm 1990, nơi mà việc lập trình đòi hỏi cả một đội ngũ kỹ sư và tài liệu hướng dẫn dài đến 800 trang.

Dù ấn tượng trong thời đại của chúng, những hệ thống này mất quá nhiều thời gian để đến tay người dùng, đồng thời không mở ra không gian cho sự sáng tạo, khám phá, hay đổi mới.

GS. Solar-Lezama tiếp tục bàn về những rủi ro khi xây dựng các hệ thống hiện đại không luôn tuân theo chỉ thị của lập trình viên, có khả năng gây hại ngang với việc cứu sống con người trong khi GS. Brad Skow chăm chú lắng nghe và ghi chép. Hai giáo sư thường tham dự bài giảng của nhau và điều chỉnh nội dung các buổi học sau dựa trên những gì đã thảo luận, tạo ra một môi trường học tập năng động và phản biện.

Một lớp học đòi hỏi cả chuyên môn kỹ thuật lẫn triết học

Khóa học Đạo đức trong Tin học, lần đầu tiên được giảng dạy vào mùa thu năm 2024, là một phần của “Common Ground for Computing Education” - sáng kiến từ Trường Điện toán MIT Schwarzman nhằm kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo ra các khóa học mới kết hợp tin học với các ngành khác.

"Người ngoài có thể nghĩ rằng khóa học này đơn giản chỉ giúp các lập trình viên tương lai của MIT làm điều đúng đắn", Skow nói. "Nhưng thực ra, mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho họ một bộ kỹ năng khác biệt."

Ý tưởng cho khóa học này xuất phát từ GS. Caspar Hare, người đảm nhận vai trò Phó Hiệu trưởng về Trách nhiệm Xã hội và Đạo đức trong Tin học tại MIT. Ông đã tuyển chọn Skow và Solar-Lezama làm giảng viên chính vì tin rằng họ có thể tạo ra một khóa học sâu sắc hơn là chỉ dạy về đúng hay sai.

"Suy nghĩ nghiêm túc về những câu hỏi trong khóa học này đòi hỏi cả tư duy kỹ thuật lẫn triết học. Không có khóa học nào khác tại MIT đặt hai lĩnh vực này ngang hàng như vậy", Skow nhấn mạnh.

Chính điều này đã thu hút Alek Westover, một sinh viên năm cuối theo học song ngành toán và khoa học máy tính: "Mọi người đều đang nói về việc AI sẽ tiến xa đến đâu trong 5 năm tới. Tôi nghĩ rằng mình cần một khóa học giúp mình suy nghĩ thấu đáo hơn về điều đó."

Westover yêu thích triết học vì niềm đam mê với đạo đức và mong muốn phân biệt đúng sai. Nếu như trong toán học, cậu có thể viết một bài toán và ngay lập tức biết được mình làm đúng hay sai, thì trong Đạo đức trong Tin học, cậu học cách lập luận về những câu hỏi triết học hóc búa - những câu hỏi không có đáp án duy nhất.

“Vậy, liệu Internet có đang hủy hoại thế giới?”

Khóa học bắt đầu với chủ đề về rủi ro AI - cụ thể là liệu AI có đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại hay không. Các chủ đề tiếp theo xoay quanh ý chí tự do, cách bộ não con người ra quyết định trong điều kiện bất định, và những tranh luận về trách nhiệm dài hạn cũng như quy định đối với AI.

Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra: "Liệu Internet có đang hủy hoại thế giới?"

Sinh viên Caitlin Ogoe, chuyên ngành Tính toán và Nhận thức, đã đăng ký khóa học này chính vì cô muốn tìm hiểu sâu về các vấn đề như vậy.

Với một người mẹ khiếm thính và em gái mắc chứng rối loạn phát triển, Ogoe từ nhỏ đã là người giúp gia đình xử lý các vấn đề công nghệ. Cô từng làm công việc sửa chữa điện thoại di động, điều khiến cô yêu thích tính toán và dẫn cô đến MIT.

Tuy nhiên, một chương trình thực tập danh giá vào năm nhất đã khiến cô đặt câu hỏi về đạo đức đằng sau những công nghệ mà cô đang góp phần phát triển.

"Mọi thứ tôi làm với công nghệ đều xuất phát từ góc nhìn của con người, giáo dục và kết nối cá nhân", Ogoe nói.

GS. Solar-Lezama nói: "Có thể 5 năm nữa, mọi người sẽ cười nhạo những lo lắng ngày hôm nay về nguy cơ AI. Nhưng điều quan trọng là sinh viên của chúng tôi học được cách suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề này."

(Nguồn: MIT News)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ai-va-dao-duc-may-tinh-khi-triet-hoc-gap-khoa-hoc-ky-thuat-2373364.html
Zalo