Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2065/UBND-KGVX ngày 20/5 nhằm tăng cường quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.

Biểu tượng Khuê Văn Các lung linh sắc màu tour đêm "Tinh hoa đạo học" tại di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: M.Miên
Mới đây, TP Hà Nội đã công bố kết quả bổ sung kiểm kê di tích giai đoạn 2015 - 2025, nâng tổng số di tích được kiểm kê trên địa bàn lên 6.489. Mỗi con đường, góc phố của Thủ đô đều mang dấu tích của thời gian, của chiều sâu truyền thống và bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di tích không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trước thực tế một số di tích xuống cấp, việc tu bổ chưa đảm bảo chất lượng, hoặc chưa tuân thủ đúng quy trình pháp luật, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao trong quá trình triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Việc thực hiện phải tuân thủ nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Một trong những điểm đáng chú ý trong Công văn số 2065/UBND-KGVX là yêu cầu tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về ý nghĩa, giá trị của di tích; sự cần thiết phải bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản này. Trước khi triển khai bất kỳ dự án nào liên quan đến di tích, chính quyền địa phương phải công khai thông tin, nội dung dự án để người dân được biết, giám sát và tích cực tham gia.
UBND TP cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Cụ thể, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, HĐND và UBND TP về các hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn. Điều này không chỉ áp dụng với các di tích đã được xếp hạng, mà còn bao gồm cả những di tích trong danh mục kiểm kê, ghi danh hoặc thuộc các danh sách được công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế (UNESCO).
Song song với đó, chính quyền các cấp cần nâng cao vai trò trong việc lập kế hoạch, triển khai hiệu quả các chương trình bảo quản, tu bổ và xếp hạng di tích. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được đẩy mạnh nhằm ngăn ngừa các vi phạm và đảm bảo chất lượng công tác bảo tồn di sản.
UBND TP giao Sở Văn hóa và Thể thao làm đầu mối tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định liên quan cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người trực tiếp trông coi di tích và cộng đồng dân cư. Việc này nhằm đảm bảo tính thống nhất, kịp thời và hiệu quả trong công tác quản lý di tích ở cơ sở.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm cập nhật và tổ chức các hoạt động tương tác, xã hội hóa để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ di sản. Đặc biệt, cần hướng dẫn các chủ đầu tư tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục khi triển khai các dự án tu bổ di tích, đúng với nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và các cơ quan chức năng thẩm định.
Công văn số 2065/UBND-KGVX cũng nhấn mạnh vai trò phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành liên quan. Các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao cùng UBND các quận, huyện, thị xã để triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích.