Tăng cường phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi

UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tổ chức giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp buôn bán, bán chạy, vận chuyển heo bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; định kỳ tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ, điểm thu gom, tập kết, buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn vắc-xin phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi một cách hiệu quả; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh phải thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp UBND huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương đang có dịch. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp tuyên truyền, triển khai các văn bản chỉ đạo về ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới đến các đơn vị vận tải trên địa bàn Tỉnh nắm, thực hiện theo quy định. Tổ chức kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo theo đúng quy định; kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào tỉnh theo quy định.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh tuyên truyền đến người chăn nuôi về tác hại của bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là Dịch tả heo châu Phi và các giải pháp ngăn ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc công bố dịch và tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định; báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh và công tác tiêm phòng trên Hệ thống VAHIS; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh, chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu heo bị tiêu hủy tại địa phương. Rà soát tổng đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng, tổ chức tiêm phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, nhất là các địa phương đã, đang có dịch. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, khuyến cáo người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng bệnh; đồng thời, tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1/2025; tránh tiêm muộn, hoặc để vắc-xin hết hạn; rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy động vật mắc bệnh; có biện pháp xử lý không để các hố chôn động vật bệnh làm phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại, tính chất nguy hiểm của dịch bênh, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin phòng bệnh trên động vật.

NP

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-va-tiem-phong-vac-xin-cho-dan-vat-nuoi-130164.aspx
Zalo