Tăng cường phổ biến Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Ngày 16/4, Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật TP Huế tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB).
Đây là hai bộ luật quan trọng, được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tăng cường phổ biến Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ
Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGTĐB được tách riêng từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và đảm bảo an toàn giao thông trong bối cảnh mới.
Theo đó, Luật Đường bộ năm 2024 được xây dựng với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ. Đạo luật này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt, Luật Đường bộ 2024 cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hội nhập và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định quốc tế, qua đó góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập từng nảy sinh trong quá trình thi hành Luật Giao thông đường bộ trước đây.
Luật Trật tự ATGTĐB được ban hành với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông.
Việc xây dựng và ban hành luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm lĩnh vực giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên triển khai, phổ biến những nội dung mới, quan trọng trong hai luật. Các nội dung này sẽ được tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, người dân trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Huế Nguyễn Thanh Sơn, để các luật tiếp tục đi vào cuộc sống, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến hai luật này đến cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức, trong đó cần chú trọng các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật.