Tán thành chủ trương hợp nhất TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Hôm qua (18/4), HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM thành một đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, lấy tên là TP HCM.

Các đại biểu thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng.

Các đại biểu thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng.

“Kỳ họp mang tính lịch sử”

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 22 diễn ra trong thời điểm TP cùng cả nước tập trung các nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng của đất nước với tinh thần chủ động, linh hoạt để thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP.

Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chi đặc thù cho các hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm trọn vẹn tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP với các thế hệ đi trước đã đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Các đại biểu cũng thông qua Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐND về chế độ hỗ trợ thêm với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp ĐVHC các cấp.

Thông qua Nghị quyết thành lập Sở Xây dựng TP; đổi tên Sở TN&MT thành Sở NN&MT. Thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025, trong đó thống nhất phân bổ hơn 16.487 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách địa phương và bố trí 1.368 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương cho dự án trọng điểm...

“Có thể nói kỳ họp lần này là kỳ họp mang tính lịch sử, các đại biểu HĐND TP thảo luận quyết định các nghị quyết để bảo đảm theo quy định của Trung ương về tiến độ sắp xếp bộ máy các ĐVHC các cấp và đáp ứng yêu cầu cấp thiết theo tình hình thực tiễn của TP. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, phát huy nguồn lực, cùng TP thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025 đạt trên hai con số; xem xét cho ý kiến để quyết nghị một số nội dung quan trọng, cấp bách”, bà Lệ nêu rõ.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá toàn diện những nội dung UBND TP trình và thông qua 17 Nghị quyết liên quan các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, văn hóa xã hội, đô thị, pháp chế, đặc biệt là Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp xã… góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để UBND TP chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2025 đã đề ra.

Quá trình thảo luận, HĐND TP tán thành chủ trương hợp nhất 3 địa phương gồm: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM thành một ĐVHC cấp tỉnh, lấy tên là TP HCM. Trung tâm chính trị - hành chính của ĐVHC mới tại số 86, đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM hiện nay.

Đây là bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Trung ương về việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế vùng và liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trọng điểm phía Nam.

Bảo tồn, tôn vinh tên gọi lịch sử Sài Gòn

Tại Kỳ họp, HĐND TP cũng tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã của TP, từ 273 ĐVHC cấp xã sẽ được sắp xếp thành 102 ĐVHC mới, trong đó có phường Sài Gòn, Thủ Đức, Chợ Lớn, Củ Chi, Gia Định…

Cụ thể, tại Thủ Đức, nhập các phường Bình Thọ, Linh Chiểu, Trường Thọ, cùng một phần Linh Đông và Linh Tây thành phường Thủ Đức; tại quận 1, nhập phường Bến Nghé và một phần của phường Đa Kao, một phần của phường Nguyễn Thái Bình thành phường Sài Gòn; tại quận 5, nhập các phường 11, 12, 13 và phường 14 thành phường Chợ Lớn; tại huyện Củ Chi, nhập các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và xã Phước Vĩnh An thành xã Củ Chi...

Việc sắp xếp ĐVHC nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực. (Ảnh trong bài: T.Giang)

Việc sắp xếp ĐVHC nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực. (Ảnh trong bài: T.Giang)

“Với nhiều người Việt Nam, dù đi đâu, ở đâu đều nhớ Sài Gòn không chỉ là tên gọi. Có một phường mang tên Sài Gòn không chỉ để nhắc, để nhớ, tôn vinh di sản lịch sử, mà còn là một điểm nhấn văn hóa thu hút du khách gần xa, đặc biệt khi Sài Gòn được biết đến rộng rãi trên bản đồ du lịch quốc tế sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu TP HCM”, bà Lệ nói.

Trước đó, các quận, huyện cũng đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân để có các quyết định hợp lòng dân, đặc biệt có ý tưởng đặt tên Sài Gòn tại một phường trung tâm TP, nơi tập trung nhiều công trình biểu tượng. Đây là cách để bảo tồn, tôn vinh tên gọi lịch sử, vốn là biểu tượng của TP HCM. Vì Sài Gòn xuất hiện từ thế kỷ 17 gắn liền với sự hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, mang dấu ấn của thời kỳ người Việt mở cõi…

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ khẳng định, sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, mở rộng không gian để quy hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, tại họp báo kinh tế - xã hội do UBND TP HCM tổ chức, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, khi sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM, TP HCM mới sẽ có 168 phường, xã, vẫn giữ nguyên các ĐVHC Thạnh An và Côn Đảo.

Sở Nội vụ TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tổ chức cuộc họp để trao đổi, thống nhất, rà soát các ranh ĐVHC của các khu vực ranh chồng lấn nhằm phối hợp, phân tách và sắp xếp phường xã mới của TP HCM mới thống nhất, tương đồng tạo dư địa phát triển, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, gần dân sát dân.

Đến nay 168 phường, xã đều đã rà soát tránh việc trùng lắp tên gọi và bất cập ở những khu vực giáp ranh. Ba địa phương cũng đã trao đổi phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm tính phù hợp.

Dự kiến sẽ bố trí trụ sở chính trị - hành chính tại TP HCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.

Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực. Nhã An

Nguyễn Trường Giang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tan-thanh-chu-truong-hop-nhat-tp-ho-chi-minh-tinh-binh-duong-tinh-ba-ria-vung-tau-post545878.html
Zalo