Tăng cường nội lực để ứng phó với ảnh hưởng thuế quan

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề 'Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam'. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã trao đổi, phân tích bản chất, tác động và đề xuất các giải pháp chiến lược phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thích ứng hiệu quả với những thay đổi trong chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, các biện pháp áp thuế đối ứng được Hoa Kỳ (Mỹ) mới đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến các đối tác lớn như Trung Quốc, EU, mà còn tác động dây chuyền đến nhiều quốc gia khác có liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo vị giáo sư này, hiện nay, nhiều mặt hàng chế biến chế tạo chủ lực của nước ta như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ… xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ bắt nguồn từ lĩnh vực sản xuất của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - đây cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua. Cho nên việc áp thuế này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và cả khu vực FDI, tức là đánh trực tiếp vào những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế của Việt Nam, từ đó gây ra tác động lớn đến tăng trưởng và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Quang cảnh Tọa đàm

Quang cảnh Tọa đàm

Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại đưa ra một góc nhìn khác bên cạnh câu chuyện các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng từ thuế quan, hiện doanh nghiệp các nhóm ngành khác cũng lo lắng không kém. Đó chính là hàng hóa từ các quốc gia khác - đặc biệt là Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ tràn sang Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh hàng hóa từ quốc gia này đang vô cùng dư thừa. Không ít doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay hộ kinh doanh hiện đang sống chủ yếu bằng thị trường trong nước, chứ không phải xuất khẩu. Rõ ràng đây là điều bất lợi đối năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu, điều này cần sớm được khảo sát và nhận được sự quan tâm từ các bộ ngành và cơ quan quản lý nói chung.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, nhìn vào khía cạnh vĩ mô, nếu các doanh nghiệp không bán được hàng thì có thể khiến lao động bị ảnh hưởng thu nhập, ảnh hưởng đến một trong ba động lực tăng trưởng năm nay là tiêu dùng, đây cũng là một điều cần được Chính phủ lưu ý và có chính sách ứng phó phù hợp.

Từ những tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, các chuyên gia đều đồng ý rằng dù kết quả ra sao trong đàm phán sắp tới thì đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị những giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Bàn về các giải pháp, không ít ý kiến cho rằng tái cấu trúc lại để nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ ra, từ trước đến nay nội lực kinh tế trong nước còn yếu, do đó dịp cải cách sắp tới sẽ thời điểm không thể phù hợp hơn để tăng cường nội lực, để các doanh nghiệp tư nhân nội địa cần thật sự lớn mạnh. Đồng thời cần nhìn vào điều kiện thực tế hiện nay của thế giới là bảo hộ mậu dịch, do đó nước ta cần xem lại mô hình tăng trưởng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu từ trước đến nay.

Không ít chuyên gia tin rằng cần thay đổi mô hình tăng trưởng truyền thống, tập trung phát huy nội lực bên trong để ứng phó trước những biến động từ thuế quan

Không ít chuyên gia tin rằng cần thay đổi mô hình tăng trưởng truyền thống, tập trung phát huy nội lực bên trong để ứng phó trước những biến động từ thuế quan

Bên cạnh việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, cũng cần thay đổi chiến lược trong quan hệ kinh tế đối ngoại. “Hăng hái ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thật, nhưng tận dụng được bao nhiêu, hay phần lớn những đơn vị hưởng lợi chỉ là doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được, kể cả các trong các FTA thế hệ mới, hay với các quốc gia lớn như Nhật Bản, EU…Điều này cũng là nguyên nhân khiến nội lực của nền kinh tế bị ảnh hưởng”, chuyên gia Phạm Chi Lan đặt ra vấn đề.

Cũng chia sẻ về các giải pháp ứng phó với thuế quan, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) tin rằng, bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, cần tìm ra các động lực mới như khoa học công nghệ, nhưng điều đáng nói là phải thực thi các chính sách, đem giải pháp vào đời sống ra sao cho hiệu quả phát huy nội lực để đất nước vươn mình, sớm vượt qua mọi rào cản thách thức từ bên ngoài như chính sách thuế quan của Mỹ.

Trong khi đó, đưa ra quan điểm về cách thức trợ lực cho doanh nghiệp trong nước, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính nhận định thời gian tới, các cơ quan quản lý cần phải chuẩn bị tinh thần đồng USD sẽ suy yếu, đây là yếu tố tác động đa chiều từ xuất nhập khẩu đến dòng FDI vào đầu tư vào Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan, tuy nhiên TS. Trần Toàn Thắng lại đưa ra góc nhìn thận trọng hơn. Ông cho rằng, việc này cũng là một thách thức không nhỏ để xác định doanh nghiệp nào thật sự bị chịu tác động, nhà nước cũng cần đưa ra phương án hỗ trợ theo hướng thực tiễn, như giúp các doanh nghiệp đi tìm thị trường mới, sau đó mới tính đến các phương án liên quan đến chính sách tài khóa, lãi suất.

Đại diện đến từ Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính chỉ ra thêm, nếu nhìn vào bức tranh xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2005 trở lại đây, thì nước ta chỉ tập trung vào một số thị trường lớn, do đó việc tái cấu trúc lại thị trường của các doanh nghiệp cũng không hề dễ, TS. Trần Toàn Thắng bày tỏ lo ngại.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-cuong-noi-luc-de-ung-pho-voi-anh-huong-thue-quan-163872.html
Zalo