Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Thường trực Hội đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả rất thiết thực.
Chiều 22/11, sau hơn 3 giờ làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc” đã hoàn thành vượt yêu cầu đối với nội dung chương trình đề ra.
Hội nghị thực hiện theo kế hoạch công tác năm 2024, nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời, hiểu rõ hơn về một số chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới ban hành về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các đồng chí báo cáo viên ở Trung ương phổ biến những nội dung cốt lõi về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới ban hành liên quan trực tiếp đến tổ chức Hội như: Quyết định 118 của Ban bí thư và Nghị định 126 của Chính phủ.
Trong đó, phần lớn các ý kiến tập trung vào việc cần được làm rõ thêm những băn khoăn nhiều năm nay về chế độ, chính sách (Điều 7 Quyết định 118; Điều 40 Nghị định 126) hay “Chính sách của Nhà nước đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (Điều 39 Nghị định 126).
Bên cạnh đó, một số ý kiến trăn trở về việc “Trưởng các hội cấp tỉnh được giao biên chế” xếp tương đương “Phó trưởng các ban, sở, ngành…”; “Phó Trưởng các hội cấp tỉnh được giao biên chế” xếp tương đương Trưởng phòng cấp huyện theo Kết luận 35 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở hoặc việc bổ nhiệm cán bộ Chánh Văn phòng/Phó Chánh Văn phòng (hưởng phụ cấp chức vụ cấp phòng) của Hội Nhà báo địa phương gặp vướng mắc vì không đáp ứng về số lượng viên chức quy định tại Nghị định 120 của Chính phủ.
Ngoài ra, có ý kiến nêu về việc người làm việc thường xuyên tại Hội có được hưởng phụ cấp công vụ hay không…
Về cơ bản những câu hỏi trên đã được các đồng chí báo cáo viên giải đáp “có lý, có tình”. Đây là những nội dung mang tính chuyên sâu, rất thiết thực, bổ ích để các đồng chí đại diện lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác văn phòng Hội làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Thường trực Hội tiếp thu, học tập và vận dụng vào thực tế để tập trung nguồn lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam là một yêu cầu đã được Ban bí thư Trung ương Đảng đặt ra từ hàng chục năm trước mà gần đây nhất là Chỉ thị 43 ngày 8/4 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội trong tình hình mới”, đồng thời là đòi hỏi chính đáng, là sự gửi trọn niềm tin của hơn 26.000 hội viên trong cả nước đối với “Hội Nhà báo Việt Nam - ngôi nhà chung” đại diện cho mình.
Để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi đó, thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả rất thiết thực. Bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong 3 năm của nhiệm kỳ này, Thường trực Hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Cơ quan Trung ương Hội phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong cả nước nói chung và đặc biệt là các Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc và Trung ương để chủ động triển khai, thực hiện linh hoạt, bài bản những nội dung, những hoạt động thuộc thẩm quyền; đảm bảo vai trò định hướng, hướng dẫn hoạt động của hội viên nhà báo ở cơ sở.
Ông Nguyễn Đức Lợi cho hay, trong lộ trình nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo nói chung, hoạt động của Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc và ở Trung ương nói riêng; trong thời gian tới, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức, tư duy, kỹ năng hoạt động báo chí và hoạt động Hội của hội viên nhà báo, nhất là các đồng chí lãnh đạo Hội và cán bộ làm công tác văn phòng Hội chuyên trách để các đồng chí sẽ là một mắt xích rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Sau hội nghị này, ngoài những kiến thức, những giải đáp về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác Hội, công tác báo chí; chúng tôi tin tưởng rằng với những kinh nghiệm, kỹ năng đã được tiếp thu, các đồng chí sẽ tiếp tục nghiên cứu, trau dồi, tự trang bị thêm kỹ năng hoạt động Hội, hoạt động báo chí…để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức Hội; tiếp tục sâu sát cơ sở, rèn luyện bản lĩnh và sắc sảo hơn trong thực thi chức trách nhiệm vụ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân…