Tăng cường kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Tổ công tác liên ngành để tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định và xe ghép, xe tiện chuyến.
Đợt cao điểm này được triển khai nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, công văn của UBND tỉnh về việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn.
Đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến lần này sẽ huy động, tăng cường sự phối hợp lực lượng của các ngành và địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm triển khai đồng bộ, áp dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền vận động đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và môi trường kinh doanh dịch vụ vận tải khách.
Qua đó, tiếp tục siết chặt quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự vận tải trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ngăn ngừa tai nại giao thông có thể xảy ra.
Theo đó, từ ngày 23/9 đến ngày 20/12/2024, các tổ công tác liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện sẽ phối hợp và tập trung kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm như: Chạy không đúng hành trình, lịch trình vận tải, không có xác nhận của hai đầu bến xe; các trường hợp dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định; xe ô tô vận chuyển khách không có phù hiệu theo quy định; xe, đơn vị vận chuyển khách theo hợp đồng mà không có (hoặc có nhưng không đúng quy định) hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo quy định, chở người không có tên trong danh sách hành khách, bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe, đón, trả khách không đúng địa điểm ghi trong hợp đồng.
Không niêm yết theo quy định về tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải của mặt ngoài hai bên thân xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe ô tô chở hành khách, không niêm yết về hành trình chạy xe, điểm đầu, điểm cuối của tuyến, giá cước, giá dịch vụ, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải; không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc có gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động...
Kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp thành lập điểm giao dịch đón, trả khách tại nhà, đón, trả khách tại các văn phòng đại diện trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm khác thuộc thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông.
Tổ công tác liên ngành sẽ tổ chức các đợt tuần tra, xử lý vi phạm một cách thường xuyên, liên tục; luôn thay đổi địa bàn và thời gian tuần tra, kiểm tra trong ngày.
Tăng cường áp dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ cho phép để kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm; đặc biệt là đối với xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến… như sử dụng camera ghi hình ảnh vi phạm, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, truy cập thông tin trên mạng internet…
Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, với nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì, Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã phải có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện đối tượng, xác định hành vi và xử lý cương quyết, đúng pháp luật.