Ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua không gian mạng-Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo

LTS: Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi 'kịch bản', thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, gây thiệt hại lớn về tài sản, đồng thời tạo bất ổn, bức xúc trong dư luận nhân dân. Đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là nhiệm vụ đang đặt ra cấp thiết.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022. Các phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là: Lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ giá rẻ; giả mạo người thân quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân; lôi kéo làm nhiệm vụ online; giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay...

Bị lừa vì ham kiếm tiền trên mạng

Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm tại nhà của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo dùng chiêu quảng cáo "làm nhiệm vụ online, kiếm tiền thật" để lôi kéo người tham gia, với lời hứa hẹn nhận được lợi nhuận cao gấp nhiều lần số tiền bỏ ra. Bị dẫn dụ bởi “bánh vẽ” lợi nhuận khủng, nhiều người đã bị lừa tiền tỷ, rơi vào cảnh trắng tay sau khi tham gia đầu tư chứng khoán, tài chính.

Chị N.M.T ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), trưởng phòng tín dụng khách hàng cá nhân của một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Nội là một ví dụ. Bản thân là người có hiểu biết về ngành tài chính, chị T không bao giờ nghĩ mình có thể bị lừa gần 4 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Không chỉ mất tiền, sự việc đã khiến gia đình chị T mâu thuẫn, ly tán.

 Một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng nộp đơn trình báo tại Công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng nộp đơn trình báo tại Công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Chị T chia sẻ: “Các đối tượng dẫn dụ tôi tham gia vào hội nhóm Telegram sử dụng thương hiệu, hình ảnh mạo danh các sàn giao dịch chứng khoán chính thống. Ban đầu, chúng tạo ra các khoản lợi nhuận tốt trong tài khoản của người chơi (thực chất là tài khoản ảo, không liên kết với bất kỳ tài khoản chứng khoán nào). Tôi tưởng có lợi nhuận nên đã nạp rất nhiều tiền vào tài khoản của các đối tượng. Khi muốn rút tiền đầu tư, các đối tượng này yêu cầu tôi nạp thêm nhiều loại phí khác. Vì nóng lòng lấy lại tiền, tôi tiếp tục vay tiền để làm theo yêu cầu của chúng cho đến khi... không còn gì mới dừng lại và nhận ra mình bị lừa”.

Hoạt động lừa đảo thông qua kêu gọi làm cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... cũng khá phổ biến. Theo đó, các đối tượng tội phạm thông qua mạng xã hội đã dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia bằng cách tạo tài khoản trên các website, app, sau đó đặt đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử và hưởng hoa hồng.

Để nhận được hoa hồng, người tham gia phải chuyển đủ số tiền ứng với đơn hàng. Tuy nhiên, nạn nhân chỉ nhận được số tiền mua hàng và hoa hồng với đơn hàng có giá trị nhỏ. Khi tiếp tục nạp tiền ứng với đơn hàng giá trị lớn thì mất luôn số tiền đã nạp.

Bị lừa tiền lần một, không ít người tiếp tục bị lừa lần hai do sập bẫy các nhóm lừa đảo mạo danh lực lượng chức năng hay công ty luật mời chào về việc cung cấp dịch vụ pháp lý, hứa hẹn giúp nạn nhân lấy lại tiền đã bị lừa.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết: “Khó có thể lấy lại tài sản khi đã bị lừa trên không gian mạng, bởi sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ và chuyển tiếp cho nhiều tài khoản khác. Cuối cùng, tiền sẽ được chuyển đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ngoài nước. Nếu có đơn vị nào đó hứa hẹn lấy lại tiền bị lừa thì chắc chắn là thông tin lừa đảo”.

Thủ đoạn giả danh cán bộ, shipper

Chủ quan khi thấy nội dung đơn hàng, nhiều người đã chuyển khoản cho người giao hàng (shipper) nhưng lại sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Anh P.M.C ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) là một nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn này. Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, sáng 15-10 vừa qua, anh C nhận được điện thoại thông báo trả 30.000 đồng phí giao một kiện hàng.

Vì đang bận, anh C đề nghị shipper để hàng ở cửa nhà và thanh toán qua chuyển khoản. Sau khi chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp, anh C được đối tượng thông báo bị nhầm số tài khoản và thao tác chuyển nhầm đã khiến anh C vô tình đăng ký làm thành viên công ty giao hàng. Nếu không hủy, mỗi tháng, anh C sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng. Nghe theo hướng dẫn của đối tượng để hủy đăng ký, anh C truy cập vào một đường link, làm theo các bước nhưng sau đó tài khoản đã bị mất hơn 183 triệu đồng.

Thủ đoạn giả danh cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước gọi điện để lừa đảo đã xuất hiện từ lâu, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy bởi "kịch bản" lừa đảo liên tục thay đổi. Một số thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là xác thực thông tin định danh cá nhân, mời nâng cấp thẻ tín dụng, vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp, thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ, hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản...

Sau đó, các đối tượng thao túng tâm lý và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn, cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Tình trạng giả danh cán bộ công tác tại các cơ quan nhà nước để lừa đảo tuy không mới nhưng do không ít người dân mất cảnh giác nên chúng vẫn chiếm được lòng tin và thực hiện hành vi lừa đảo. Trong trường hợp nhận được tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội hoặc những cuộc gọi nghi vấn, người dân cần cẩn thận xác minh hoặc liên hệ với cơ quan công an gần nhất”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/ngan-chan-tinh-trang-lua-dao-qua-khong-gian-mang-bai-1-muon-kieu-lua-dao-802621
Zalo