Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã được Trung ương đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội của Đảng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị lần 1. Ảnh: P.HẰNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị lần 1. Ảnh: P.HẰNG

Đặc biệt, từ Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng, vấn đề này được nhìn nhận với tư duy và nhận thức mới.

Đảng đã có các quy định cụ thể

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Nhân, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, bởi lần đầu tiên Đảng ta xác định công tác cán bộ có thể hình thành nên một loại quyền lực cần được kiểm soát và cũng là lần đầu tiên các hành vi “chạy chức, chạy quyền” gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị.

Đến Đại hội XIII của Đảng, cụm từ “kiểm soát quyền lực” được nhắc tới hơn 20 lần trong văn kiện đại hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, lãnh đạo tỉnh đủ dữ liệu để đánh giá ai là người hành động tốt nhất, ai là người có quan điểm rõ ràng nhất, ai là người nổi trội nhất. Không để xuất hiện những yếu tố tiêu cực trong công tác cán bộ, sắp xếp cán bộ một cách công tâm, khách quan, đánh giá cán bộ một cách trung thực là điều quan trọng.

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Tại Đồng Nai, quán triệt và thực hiện các văn bản của Đảng về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong các mặt công tác.

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ ngày càng được khẳng định, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được đề cao. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên đáng kể, phục vụ tốt các yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương và sự phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn.

Kiên quyết chống các tiêu cực

Đến nay, Đồng Nai cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trên địa bàn tỉnh hiện chưa phát hiện trường hợp cán bộ chạy chức, chạy quyền. Hiện nay, 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm, tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Hơn 80% người đứng đầu các sở, ngành của tỉnh và tương đương có trình độ sau đại học; đội ngũ bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện có trình độ sau đại học là 28/42 đồng chí; cán bộ chuyên trách cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội có trình độ từ đại học trở lên chiếm hơn 98%...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, một trong những vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là sắp xếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị và chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Mục đích của tinh gọn là giảm số lượng nhưng hiệu quả phải tăng hơn, con người ít đi, đòi hỏi công việc ngày càng tốt hơn. Muốn làm được việc này thì cán bộ phải giỏi. Mà muốn chọn cán bộ giỏi phải đánh giá cán bộ, sắp xếp những người có năng lực, phẩm chất vào những vị trí quan trọng để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác cán bộ và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ phải chống tiêu cực, chạy chọt. Nếu có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, phát hiện được phải nghiêm khắc xử lý. Bố trí cán bộ không đúng ở các vị trí công tác, không đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện thì xã hội nhìn vào con người đó là biết ngay có vấn đề hay không, nếu người đó không xứng đáng là dư luận biết chắc chắn có tiêu cực.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202501/tang-cuong-kiem-soat-quyen-luctrong-cong-tac-can-bo-59472c6/
Zalo