Tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp

Để đảm bảo vụ xuân 2025 thắng lợi, các địa phương, đơn vị quản lý ở Hà Tĩnh đang tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng lúa giống, vật tư nông nghiệp ngay từ đầu vụ.

Dồi dào nguồn giống lúa phục vụ sản xuất vụ xuân

Vụ xuân 2025, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh dự kiến cung ứng ra thị trường hơn 500 tấn lúa các loại (trong đó, hơn 200 tấn tự sản xuất và 300 tấn liên kết với doanh nghiệp khác). Đây là các giống theo bộ cơ cấu của tỉnh như giống lúa thuần (HT1, Nếp 98, Khang Dân 18, Xuân Mai...), giống lúa lai (Nhị Ưu 838, Thái Xuyên 111,...). Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã cơ bản nhập hàng về các kho, bắt đầu tiến hành giao giống theo các hợp đồng đã ký kết với các địa phương.

 Nông dân Hà Tĩnh đã bắt đầu tham khảo, chọn mua giống lúa chất lượng, đảm bảo vụ mùa thắng lợi.

Nông dân Hà Tĩnh đã bắt đầu tham khảo, chọn mua giống lúa chất lượng, đảm bảo vụ mùa thắng lợi.

Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Dựa trên đề án sản xuất vụ lúa xuân 2025 của tỉnh, công ty đã tập trung thực hiện các phương án cung ứng giống kịp thời cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Xác định vụ xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên công ty chú trọng bố trí các giống năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt như: Xuân Mai, BQ, Nếp 98, Khang Dân 18,…".

Thời điểm này, Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI đang liên tục điều chuyển hàng về các đại lý và địa phương trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Hoàn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI Chi nhánh miền Trung cho biết: “Dự kiến, vụ xuân, công ty cung ứng tại thị trường Hà Tĩnh trên 100 tấn lúa giống, chủ yếu là giống ADI 168, Hana số 7, ADI 28,… Doanh nghiệp đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống khi đưa sản phẩm ra thị trường; tiếp tục kết nối bao tiêu cho bà con nông dân đối với giống lúa Hana số 7 trong vụ xuân 2025".

Tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh cấp 1, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, nhiều loại giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón cũng đã được nhập về số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

 Nhiều doanh nghiệp đã đổ giống về các cơ sở kinh doanh, đại lý cấp 1,...trên địa bàn tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp đã đổ giống về các cơ sở kinh doanh, đại lý cấp 1,...trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (Hương Khê) cho biết: “Giá một số giống lúa năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Điều này một phần là do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) khiến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề, cùng với đó, giá lúa gạo trên thế giới và trong nước tăng cao cũng đẩy giá lúa giống “nhích” lên. Hiện tại, nguồn giống do cửa hàng chúng tôi đã nhập về số lượng lớn từ các cơ sở uy tín đảm bảo đầy đủ cho bà con sản xuất vụ xuân”.

Theo ghi nhận, thời điểm này, thị trường giống, vật tư nông nghiệp đã bắt đầu sôi động. Bà Nguyễn Thị Mẫn (thôn Yên Sơn, Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) cho biết: "Để đảm bảo sản xuất theo lịch thời vụ thì tôi đã chuẩn bị nguồn giống lúa và các loại phân bón. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vụ xuân năm nay cũng bị ảnh hưởng vì một số loại giống giá bán cao hơn năm trước như VNR20, Bắc Thịnh, Hà Phát 3,…”.

 Nông dân Can Lộc hoàn thành cơ bản làm đất đợt 1 để chuẩn bị xuống giống theo lịch thời vụ.

Nông dân Can Lộc hoàn thành cơ bản làm đất đợt 1 để chuẩn bị xuống giống theo lịch thời vụ.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho hay: “Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương không cơ cấu một giống quá 30% diện tích gieo, cấy. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện địa hình, sinh thái đặc thù với nhiều tiểu vùng sinh thái, lập địa, thổ nhưỡng khác nhau; thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; các đối tượng sâu bệnh thường xuyên phát sinh gây hại nặng... Vì vậy, cơ cấu bộ giống cần phải đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng, tính chống chịu, đặc biệt là bệnh đạo ôn".

Tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp

Vụ xuân 2025, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy hơn 59.000 ha lúa, 6.799 ha ngô. Ước tính toàn tỉnh cần khoảng 3.400 - 3.600 tấn giống lúa, gần 136 tấn giống ngô và khoảng 60.000 tấn phân bón các loại. Chính vì vậy, việc quản lý tốt chất lượng giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trong vụ xuân 2025 được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng.

 Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống tại Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống tại Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh.

Vừa qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ xuân 2025. Theo đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp tại địa phương như chủng loại, danh mục hàng hóa, bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng, niêm yết giá bán. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp phải đảm bảo giống có chất lượng, đầy đủ hồ sơ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ghi nhãn mác đầy đủ, đúng theo quy định; không đưa các loại giống ngoài cơ cấu vụ xuân năm 2025 về cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Tùng Dương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) cho biết: “Ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, từ đầu tháng 12, Sở NN&PTNT cũng đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đoàn tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác, hồ sơ chất lượng, danh mục sản phẩm các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp kinh doanh; lấy mẫu các lô hàng để phân tích kiểm tra chất lượng. Kiểm tra, chỉ đạo triển khai thực hiện đề án sản xuất vụ xuân 2025 của tỉnh; việc chấp hành cơ cấu giống, lịch thời vụ, số lượng, chủng loại hàng hóa cung ứng trên thị trường; theo dõi diễn biến giá cả các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất”.

 Đoàn tập trung kiểm tra bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng, lấy mẫu các lô hàng để phân tích.

Đoàn tập trung kiểm tra bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng, lấy mẫu các lô hàng để phân tích.

Là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất của tỉnh, huyện Cẩm Xuyên đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt lịch thời vụ, cơ cấu và phương án chủ động giống trước khi bước vào gieo cấy. Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Trên cơ sở đề án sản xuất của Sở NN&PTNT, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch và đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh của các xã, thị trấn, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án sản xuất vụ xuân 2025. Huyện chú trọng phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp tại địa phương, tập trung kiểm tra điều kiện bảo quản, kinh doanh, chủng loại, danh mục hàng hóa, bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng, niêm yết giá bán".

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, các địa phương hướng dẫn bà con nông dân bắc mạ trong khung thời vụ từ 10/1 - 5/2/2025. Với những vùng có tập quán gieo thẳng, lịch gieo thực hiện theo thời vụ bắc mạ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần lưu ý, trong cùng một nhóm giống phải xem xét thời gian sinh trưởng cụ thể của từng giống để bố trí gieo cấy hợp lý.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tang-cuong-kiem-soat-chat-luong-giong-vat-tu-nong-nghiep-post278937.html
Zalo