Chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp

Xác định phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương góp phần tạo đột phá về phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã chủ động đề ra các giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Các thành viên Tổ liên kết “Giới thiệu, quảng bá đặc sản xứ Mường” xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn chế biến sản phẩm đặc trưng của địa phương, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Các thành viên Tổ liên kết “Giới thiệu, quảng bá đặc sản xứ Mường” xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn chế biến sản phẩm đặc trưng của địa phương, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Xã Văn Miếu hiện có trên 1.900 hộ, hơn 8.000 nhân khẩu với 3 dân tộc Mường, Dao, Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 75%. Toàn xã có trên 80% hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Để thay đổi thói quen canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, không tập trung, hiệu quả kinh tế thấp, Đảng ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch lại sản xuất với các mục tiêu: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tập trung chăn nuôi đại gia súc, trồng cây lấy gỗ và cây nguyên liệu giấy, khuyến khích người dân trồng mới, trồng chuyển hóa cây gỗ lớn để tăng năng suất, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, thành lập các tổ liên kết quảng bá, phát triển các sản phẩm đặc trưng tại địa phương.

Nhằm tuyên truyền, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản xứ Mường, giúp tăng nguồn thu cho hội viên, tháng 10/2021, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Tổ liên kết “Giới thiệu, quảng bá đặc sản xứ Mường” với 5 thành viên. Các sản phẩm được trồng, chăm sóc hoặc được chế biến theo công thức truyền thống của người Mường. Vừa lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vừa tìm kiếm, phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở nhu cầu thị trường, Tổ liên kết hiện đang giới thiệu và bán các sản phẩm địa phương gồm: Măng giang muối chua, rau sắn muối chua, măng ớt, chè khô, măng khô, củ cải, gà đồi, gạo nếp, trái cây...

Chị Hà Thị Hồng Hái - Tổ trưởng Tổ liên kết vui mừng chia sẻ: “Với một số bí quyết riêng trong quá trình chế biến, mặc dù mới phát triển thành hàng hóa nhưng các sản phẩm của Tổ liên kết đã nhanh chóng được mọi người biết đến, ưa chuộng, thu nhập của các hộ thành viên nhờ đó cũng được nâng lên, từng bước phát triển ổn định. Hiện mỗi năm, Tổ liên kết có doanh thu gần 400 triệu đồng".

Hiện nay, Văn Miếu là một trong những xã có diện tích chè thu hái của hộ ổn định với khoảng 270ha. Xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác; tạo điều kiện cho Nhân dân được tham gia các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, thâm canh chè. Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, từ canh tác chè theo lối truyền thống, người dân có sự thay đổi rõ nét cả về tư duy và phương thức canh tác theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè an toàn. Các hộ làm nghề đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới với nhiều máy móc hiện đại như máy vò, máy quay, máy hút chân không... Trung bình 1ha sản xuất theo quy trình an toàn, cho thu nhập gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống, sản phẩm chè đa dạng, đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Cùng với chỉ đạo phát triển trồng chè kết hợp với chè chế biến, xã luôn chú trọng công tác khuyến nông, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho người dân; xây dựng các mô hình mẫu, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua chỉ đạo gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật. Đặc biệt, làm tốt công tác thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích đất canh tác, tích cực phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi... cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm được nhân rộng các khu dân cư.

Đồng chí Hà Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Miếu cho biết: Nhờ vận dụng sáng tạo trong chỉ đạo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh; chú trọng quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của địa phương đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã không ngừng được nâng cao. Đến nay, xã Văn Miếu đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, 8/14 khu dân cư nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/năm, hộ nghèo toàn xã giảm 0,4%.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chu-trong-phat-trien-san-pham-nong-nghiep-224438.htm
Zalo