Tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035
Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035.
Hà Nội

Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, Thành phố phấn đấu đến năm 2030, có 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035; 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2035.
Thành phố phấn đấu có tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn và nâng tỷ lệ lên lần lượt là tối thiểu 70%, 80% và 90% vào năm 2035. Tối thiểu 20% trường tiểu học, 15% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi và duy trì hoạt động hiệu quả; 50% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn; đến năm 2035, con số này lần lượt là 30%, 25% và 70%.
Kế hoạch cũng nêu rõ, 70% cán bộ quản lý, giáo viên của Thành phố được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước cho học sinh; 85% người làm công tác y tế trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu đuối nước; mỗi trường có ít nhất 2 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và vào năm 2035, con số lần lượt sẽ là 95%, 100% và ít nhất 3 giáo viên.
Đối tượng giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước là học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 6 đến 18 tuổi. Cán bộ quản lý, giáo viên, người làm công tác y tế trường học trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân liên quan. Chương trình được triển khai trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên toàn Thành phố và cộng đồng dân cư cấp xã.
UBND Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, tổ chức triển khai thực hiện chương trình, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Triển khai tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình nếu cần thiết; tổ chức sơ kết chương trình vào năm 2030 và tổng kết chương trình vào năm 2035.
Đồng thời, chỉ đạo, triển khai kế hoạch lồng ghép với các chương trình, dự án về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường vai trò điều phối, phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tiếp tục tổ chức triển khai Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035.
Quyết định nêu rõ các giải pháp, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh. Trong đó có xây dựng, chuẩn hóa nội dung, số hóa các tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên; cha mẹ học sinh; học sinh theo từng cấp học.
Tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà giáo, cha mẹ học sinh, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan và học sinh về phòng, chống đuối nước. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp với từng đối tượng và đặc thù vùng miền, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương.
Đối với giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh phải thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trong bài giảng các môn học, hoạt động giáo dục liên quan. Xây dựng nội dung, tài liệu giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh phù hợp với từng cấp học và tổ chức thực hiện theo các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ học trên lớp. Tổ chức cho học sinh tham gia các sân chơi, cuộc thi tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước….