Tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh (HS) giai đoạn 2025 - 2035 trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
- Việc giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS là điều rất cần thiết, nhất là khi hằng năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS giai đoạn 2025 - 2035 được triển khai trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, tập trung ở cấp tiểu học, THCS và cộng đồng dân cư, nơi sẽ đầu tư bể bơi phục vụ giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS trên địa bàn.
- Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của chương trình?
- Mục tiêu đề ra đến năm 2030, có 70% HS được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước; 70% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước cho HS; tối thiểu 55% HS lớp 5, khoảng 65% HS lớp 9 và 75% HS lớp 12 biết bơi an toàn; tối thiểu 20% trường tiểu học, 15% trường THCS, THPT có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả; 50% xã, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, HS.
Đến năm 2035, phấn đấu 90% HS được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước; 95% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước cho HS; tối thiểu 70% HS lớp 5, khoảng 80% HS lớp 9 và 90% HS lớp 12 biết bơi an toàn; tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường THCS, THPT có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả; 70% xã, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, HS.
- Trước đây, trên địa bàn tỉnh từng tổ chức chương trình dạy bơi cho HS nhưng chưa đạt như mục tiêu đề ra. Vậy để triển khai chương trình trên, nhất là việc tổ chức dạy bơi hiệu quả cho HS, xin ông cho biết thời gian tới ngành Giáo dục tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gì?
- Ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho HS; từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt, duy trì hoạt động hiệu quả các bể bơi trong trường học (bao gồm cả bể bơi cố định hoặc bể bơi di động và trang thiết bị, dụng cụ học bơi, cứu đuối, công trình phụ trợ liên quan). Bên cạnh đó, xây dựng chương trình, tài liệu, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá kết quả và tổ chức dạy bơi an toàn cho HS cấp tiểu học, THCS, THPT trong nhà trường ngoài giờ trên lớp. Đối với các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy bơi an toàn cho HS trong nhà trường, thực hiện việc phối hợp, liên kết dạy bơi theo cụm trường tại địa phương hoặc phối hợp với cha mẹ HS, liên kết với các bể bơi ngoài nhà trường để tổ chức dạy bơi cho HS theo chương trình, tài liệu hướng dẫn, có sự phối hợp, giám sát, đánh giá của nhà trường.

Một buổi tập huấn về phòng, chống đuối nước dành cho cán bộ, giáo viên TP. Nha Trang.
Ngành Giáo dục tỉnh cũng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước HS trong trường học. Trong đó, chú trọng chế độ, chính sách ưu đãi về đất đai, khuyến khích thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, thiết bị đảm bảo tổ chức dạy bơi, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo và tổ chức hoạt động dạy bơi trong nhà trường. Đồng thời, rà soát, ban hành văn bản quy định về tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học; hướng dẫn kinh phí chi cho một khóa học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước đối với một HS; hướng dẫn về chế độ bồi dưỡng đặc thù đối với giáo viên dạy bơi, người cứu hộ tại các bể bơi cho HS ngoài giờ học trên lớp. Để tổ chức dạy bơi hiệu quả, cần bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên cho việc duy trì hoạt động các bể bơi được đầu tư trong nhà trường hoặc cộng đồng; đảm bảo tổ chức hoạt động thường xuyên, khai thác tối đa công năng sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, cần huy động sự đóng góp của gia đình HS khi tổ chức khóa học bơi trong nhà trường theo định mức quy định của cơ quan có thẩm quyền; huy động, thu hút đầu tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng bể bơi và phối hợp khai thác, sử dụng hiệu quả bể bơi trong nhà trường, cộng đồng theo quy định.