Tăng cường giám sát quỹ tài chính ngoài ngân sách và đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Với đặc trưng về thể chế hoạt động riêng không trùng với hoạt động ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ tài chính ngoài ngân sách (TCNNS) đặt ra rất nhiều vấn đề, tiềm ẩn rủi ro đối với việc phân bổ các nguồn lực và đảm bảo tính thống nhất của nguồn lực tài chính công.

Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Ngày 27/3, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức các quỹ TCNNS thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN” do ThS. Hà Thị Thanh Trúc (KTNN khu vực V) làm chủ nhiệm.

ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu.

Các quỹ TCNNS được hình thành từ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa bằng các luật hoặc tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoặc hình thành thông qua các Nghị quyết liên tịch của các cơ quan, tổ chức. Hiện nay, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật cho phép thành lập và quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính về quản lý, sử dụng các quỹ TCNNS.

Hiện nay, các quỹ TCNNS được tổ chức chủ yếu theo 3 phương thức chính: Hoạt động theo mô hình kiêm nhiệm được quản lý bởi các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức có hoạt động hỗ trợ của NSNN; hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động theo mô hình chuyên biệt (công ty TNHH một thành viên).

ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Hà Thị Thanh Trúc, thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện và chỉ ra hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành các quỹ; những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Nhà nước đối với các quỹ TCNNS; sự trùng lắp giữa hoạt động của quỹ với hoạt động thu, chi của NSNN.

Cụ thể, kết quả kiểm toán tại 06 địa phương do KTNN khu vực V thực hiện giai đoạn 2020-2022 cho thấy: Việc quản lý, sử dụng quỹ tại một số địa phương kém hiệu quả, chưa tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng vốn cho vay; hoạt động cho vay còn phát sinh các khoản nợ xấu; việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của quỹ không thường xuyên, liên tục; phê duyệt hồ sơ ứng vốn chưa đúng thẩm quyền, ứng vốn cho dự án ngoài danh mục, thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất, chế độ tài chính kế toán và quyết toán hàng năm…

Xuất phát từ thực tế trên, đề tài được nghiên cứu nhằm hệ thống về cơ sở lý luận về các quỹ TCNNS; đánh giá kết quả hoạt động kiểm toán của KTNN đối với các quỹ TCNNS thời gian qua; đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của các quỹ TCNNS.

Đề tài được kết cấu gồm 2 chương: Chương 1 - Một số vấn đề cơ bản về các quỹ TCNNS, thực trạng cơ chế chính sách, tổ chức về công tác quản lý, điều hành và sử dụng các quỹ TCNNS ở địa phương; Chương 2 - Một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đối với các quỹ TCNNS.

ThS. Hà Thị Thanh Trúc - KTNN khu vực V đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các quỹ TCNNS. Ảnh: Nguyễn Ly

ThS. Hà Thị Thanh Trúc - KTNN khu vực V đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các quỹ TCNNS. Ảnh: Nguyễn Ly

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đối với các quỹ TCNNS, cụ thể: Hoàn thiện khung quy định về quản lý quỹ TCNNS gắn với hệ thống các quy định về tài chính - ngân sách; gắn kết báo cáo quỹ TCNNS với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - ngân sách; quy định trách nhiệm và quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc thành lập, sử dụng quỹ và báo cáo tình hình thu - chi của từng loại quỹ.

Rà soát, tập trung các quỹ TCNNS có cùng mục tiêu, thống nhất cơ chế và mô hình quản lý để từng bước sáp nhập các quỹ, xây dựng một bộ máy chuyên trách, tổng hợp giúp giảm chi phí quản lý, đồng thời tập trung nguồn lực. Các giao dịch của quỹ TCNNS phải đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính nhà nước cơ bản, chịu sự giám sát của Quốc hội và đáp ứng các tiêu chuẩn của kế toán, báo cáo, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập.

Ban hành quy định cụ thể chủ thể có thẩm quyền thành lập; các điều kiện; tiêu chuẩn cho việc thành lập các nguyên tắc pháp lý cần phải đảm bảo trong quá trình quản lý và sử dụng; điều kiện và mức hỗ trợ của NSNN; các quy định về trách nhiệm; các biện pháp xử lý vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ; quy định về giải thể; vai trò giám sát của các cơ quan dân cử nhằm xây dựng được một cơ chế pháp lý hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát về quản lý, sử dụng quỹ TCNNS, trong đó, quan tâm thực hiện đúng trình tự, thủ tục sử dụng nguồn quỹ, đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại quỹ bắt buộc theo quy định, bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tài chính hàng năm; công khai rộng rãi hoạt động của các quỹ TCNNS theo quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của KTNN, cơ quan thanh tra, trong đó tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng…

ThS. Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V cho biết, hiện nay có hơn 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ly

ThS. Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V cho biết, hiện nay có hơn 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đánh giá: Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về các quỹ TCNNS; làm rõ thực trạng cơ chế chính sách, tổ chức các quỹ TCNNS ở địa phương; phân tích kết quả, tồn tại, hạn chế trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật để hình thành, quản lý, điều hành các quỹ thông qua kết quả kiểm toán; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức các quỹ TCNNS, điều kiện để thực hiện giải pháp.

ThS. Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V cho biết, hiện nay có hơn 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại Việt Nam, cụ thể: Thông qua các Luật có 19 quỹ (Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc; Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ bảo trì đường bộ; Quỹ phát triển khoa học công nghệ; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia…), Nghị định của Chính phủ (Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư phát triển địa phương…), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quỹ phòng chống tội phạm, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam…), văn bản thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quỹ hỗ trợ nông dân); Nghị quyết liên tịch của các cơ quan, tổ chức (Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học, kỹ thuật của Việt Nam). Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp các quỹ được hình thành xuất phát từ nhu cầu thực tế trong việc thực hiện các chính sách của đất nước do bối cảnh biến động của kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ, các cơ quan ban, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản thành lập và hướng dẫn hoạt động của các quỹ để giải quyết nhiều vấn đề trong phạm vi, vai trò của hoạt động quản lý nhà nước như bình ổn giá, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… Các quỹ này hoạt động dựa trên những cơ chế riêng biệt và độc lập, vì vậy, Ban đề tài cần khái quát hóa có bao nhiêu quy định và tương ứng với các loại quỹ.

TS. Cù Hoàng Diệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II cho rằng, cần cơ cấu lại hoặc sáp nhập đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Cù Hoàng Diệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II cho rằng, cần cơ cấu lại hoặc sáp nhập đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Cù Hoàng Diệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II gợi mở một số nội dung để Ban đề tài bổ sung cho phần giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đối với các quỹ TCNNS. Cụ thể: cần phải có quy định đối với mô hình tổ chức chung của các quỹ TCNNS để theo dõi, quản lý và sử dụng các nguồn lực của quỹ một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch và thống nhất ở các quỹ.

Các địa phương sắp xếp lại, rà soát, nghiên cứu sự cần thiết của một số quỹ như: Quỹ chưa có quy trình nghiệp vụ vay vốn rõ ràng, nguồn thu chủ yếu dựa vào lãi suất tiền gửi ngân hàng, chủ yếu thực hiện hoạt động cho vay qua ủy thác ngân hàng, số lượng doanh nghiệp cho vay hạn chế, có đối tượng cho vay trùng lắp với đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; Tiến hành giải thể, cơ cấu lại hoặc sáp nhập đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về bộ máy quản lý quỹ, cần nghiên đảm bảo tinh gọn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí; nghiên cứu sự cần thiết đối với việc thành lập tổ chức riêng, bao gồm Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và Ban quản lý quỹ tại một số quỹ. Về thực hiện nhiệm vụ, rà soát để đảm bảo các quỹ hoạt động theo đúng chức năng, mục tiêu, khi thành lập quỹ đặt ra. Đồng thời, rà soát nhiệm vụ của các quỹ để tránh trường hợp trùng lắp với các nhiệm vụ của NSNN.

Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tập trung làm rõ những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách và tổ chức các quỹ TCNNS do KTNN phát hiện qua kiểm toán cho sát với phạm vi nghiên cứu của đề tài. Đặc biệt, phải phân tích được những nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách và tổ chức các quỹ TCNNS làm cơ sở đề xuất các nhóm giải pháp tại chương 2.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-cuong-giam-sat-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-va-don-doc-thuc-hien-kien-nghi-kiem-toan-39115.html
Zalo