Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư trong kỷ nguyên mới
Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư… và sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với đại diện các doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Ảnh: Lê Toàn
Doanh nghiệp FDI ưu tiên đầu tư vào Việt Nam
Hội trường 500 chỗ ngồi của một trong những khách sạn lớn nhất TP.HCM không đủ chỗ cho các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tham dự Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, do Bộ Tài chính tổ chức vào cuối tuần trước. Điều được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm chính là những định hướng chính sách thu hút đầu tư trong kỷ nguyên mới của Việt Nam.
Ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là “ngôi sao” đang lên trong nền kinh tế toàn cầu. Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề như hạ tầng hạn chế, pháp lý thiếu nhất quán, thiếu môi trường đầu tư bền vững, vẫn còn khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động…
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Hội nghị, ông Jeong Jihoon, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ những cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư và vị trí thuận lợi.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào Việt Nam và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài”, ông Jeong Jihoon nói.
Đề cập xu hướng đầu tư, ông Nitin Kapoor, Phó chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, ngày nay, các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các dự án có tính xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thu hút đầu tư nước ngoài bền vững và chất lượng cao là “chìa khóa” giúp Việt Nam phát triển lâu dài.
Để cải thiện môi trường đầu tư, theo ông Nitin Kapoor, Việt Nam nên tập trung vào 3 nội dung quan trọng: chính sách cần nhất quán, rõ ràng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng chuỗi cung ứng xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Khối doanh nghiệp tư nhân luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Nitin Kapoor khẳng định.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
Dù đánh giá rất cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn e dè và đặt câu hỏi, Việt Nam sẽ tạo thuận lợi thế nào cho nhà đầu tư?
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút vốn FDI bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công - tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo.
Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán ngay trong năm 2025. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia thị trường.
“Chúng tôi đang yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Thông tin đến các nhà đầu tư, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen… và tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực, toàn cầu.
Giải đáp vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, ông Đỗ Văn Sử cho biết, để đạt được các mục tiêu thu hút đầu tư chọn lọc, Việt Nam đang tích cực triển khai 7 giải pháp để thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, bao gồm: ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực); hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục; tháo gỡ điểm nghẽn thể chế...
Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai một số ưu đãi đầu tư đặc biệt như: thời gian hưởng thuế suất ưu đãi tối đa 5% có thể lên tới 37 năm; miễn giảm tối đa 6 năm, giảm 50% trong 13 năm đối với trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng...
Tin vui được ông Sử gửi đến nhà đầu tư là Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Trong đó, xóa bỏ nhiều điều kiện kinh doanh chồng chéo. “Nghị quyết số 66/NQ-CP cũng đặt mục tiêu, với tất cả cơ quan nhà nước, 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp sẽ thực hiện trên mạng. Vì vậy, các thủ tục sẽ được minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Sử thông tin.
Đối với việc huy động vốn qua hệ thống quỹ đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, sẽ đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, “khẩu vị” rủi ro của nhà đầu tư. Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu xem xét các chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán theo đúng bản chất hoạt động của quỹ đầu tư để thúc đẩy đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp này.
“Bộ Tài chính sẽ duy trì đối thoại chính sách để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất giải pháp xử lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết.
Cần thành lập doanh nghiệp bảo lãnh tín dụng để đầu tư vào hạ tầng
- Ông Denesh Srishanker, Giám đốc toàn cầu, Khối tăng cường tín dụng PIDG
Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2040 khoảng 570 tỷ USD, trong đó, Việt Nam có thể đáp ứng được khoảng 25 - 30 tỷ USD từ nguồn vốn ngân sách và các tổ chức tài chính trong nước.
Như vậy, nhu cầu vay mượn hàng năm khoảng 5,8 - 6,8 tỷ USD, tương đương hơn 100 tỷ USD. Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng, Việt Nam cần bảo lãnh trái phiếu trong nước và quốc tế nhằm thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Trong đó, cần thành lập các doanh nghiệp bảo lãnh tín dụng hoặc trái phiếu trong nước chuyên biệt, cung cấp dịch vụ bảo lãnh có xếp hạng tín nhiệm cao để thu hút vốn từ các tổ chức trong nước vào trái phiếu hạ tầng. Đặc biệt, bảo lãnh thanh toán không hủy ngang sẽ đảm bảo cả gốc và lãi của trái phiếu.
Điều này có nghĩa là, nhà đầu tư không còn phải lo lắng về rủi ro của khoản đầu tư gốc, vì đã có sự bảo lãnh. Nếu bảo lãnh được phát hành bởi một tổ chức uy tín, trái phiếu cơ sở hạ tầng được bảo lãnh đầy đủ sẽ được hưởng lợi từ xếp hạng tín dụng cao và trở thành một lựa chọn đầu tư ít rủi ro hơn.
Về cơ cấu cổ đông có thể kết hợp cả trong và ngoài nước, bao gồm sự tham gia của các tổ chức tài trợ quốc tế, tổ chức đa phương và khu vực tư nhân trong nước. Lý do là, tổ chức bảo lãnh trong nước có những lợi thế vượt trội so với các tổ chức bảo lãnh nước ngoài, vì sự tham gia của các cổ đông địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Ưu tiên các khoản đầu tư bền vững
- Ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam
Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, bao gồm mạng lưới giao thông, trung tâm hậu cần và tài nguyên năng lượng tái tạo, để hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực, cần thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo toàn diện để trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng liên quan đến các ngành công nghiệp mới nổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh.
Để tăng thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các rào cản và tăng cường tính minh bạch để tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn. Khi thu hút đầu tư trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần ủng hộ và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư bền vững với môi trường và lợi ích kinh tế lâu dài.