Tăng cường giám sát, ngăn ngừa lãng phí tài nguyên khoáng sản
Làm thế nào để quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS) được hiệu quả? Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam về một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước (QLNN) về TNKS, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) luôn kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ QLNN và hoạt động khoáng sản theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam - nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán.
Từ thực tiễn công tác quản lý, xin ông cho biết những kết quả, hạn chế trong quản lý TNKS thời gian qua, thưa ông?
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ TNMT luôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ QLNN đối với TNKS nghiêm túc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý TNKS. Qua đó, công tác QLNN về TNKS đã đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao hiệu quả QLNN về tài sản công, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai khoáng trong các ngành kinh tế quốc dân.
Bộ TNMT đã tham mưu Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, Bộ đã khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27/1/2014 phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT, làm cơ sở để thực hiện cấp phép theo đúng quy định của pháp luật; triển khai tốt công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam
Giai đoạn 2012-2023, Bộ TNMT đã tiến hành 256 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; ban hành 487 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 56,896 tỷ đồng, đối với hơn 450 doanh nghiệp.
Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng nguyên tắc, điều kiện theo quy định, đến nay đã cơ bản khắc phục được tình trạng cấp phép khai thác tràn lan.
Hằng năm, các địa phương tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng, đồng thời tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính; từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ khoáng sản. Hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo thẩm quyền...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLNN về TNKS còn một số hạn chế. Cụ thể là, công tác quản lý và cấp phép khai thác khoáng sản còn chồng chéo với các quy hoạch khác; quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản chưa đồng bộ với phát triển hạ tầng.
Một số quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo như đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến khai thác, chế biến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm khoáng sản.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến sâu khoáng sản còn lạc hậu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý TNKS chưa được triển khai kịp thời, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TNKS đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện chưa đáp ứng yêu cầu công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản...
Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có tình trạng quản lý, sử dụng TNKS chưa hiệu quả... Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Về nguyên nhân, ngoài tác động của nền kinh tế thế giới và khu vực, còn có một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế trong quản lý, sử dụng TNKS. Theo đó, địa bàn quản lý khoáng sản rộng nhưng phân bố không tập trung, phần lớn các mỏ khoáng sản, nhất là khoáng sản kim loại, khoáng sản quý hiếm nằm ở vùng sâu, vùng xa có hạ tầng kỹ thuật, giao thông thấp kém, gây khó khăn cho công tác bảo vệ, công tác thanh tra, kiểm tra.
Cùng với đó, hiệu quả công tác tuyên truyền về vấn đề này còn chưa cao; vai trò của ngành công nghiệp khai khoáng trong chuỗi gia tăng giá trị từ khai thác đến làm giàu, chế biến sâu khoáng sản thành sản phẩm thương mại chưa được hạch toán đầy đủ.
Việt Nam cũng chưa có cơ chế thực sự hiệu quả để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản nên phần lớn doanh nghiệp còn có quy mô trung bình và nhỏ, năng lực về vốn còn hạn chế. Việc sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản chưa thực hiện tốt; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong khai thác, đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển.
Cá nhân tôi cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan QLNN chuyên ngành, tiếp đó là các cơ quan, địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ trong QLNN về TNKS.
Bộ TNMT luôn quán triệt việc tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương trong thực hiện công tác QLNN về TNKS, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ QLNN và hoạt động khoáng sản theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thực tiễn cũng cho thấy, vẫn còn những bất cập, khoảng trống trong cơ chế, chính sách khiến công tác quản lý TNKS chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Xin ông có thể thông tin thêm về vấn đề này?
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TNKS hiện nay khá đầy đủ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, do Luật Khoáng sản được ban hành đã 14 năm, trong thời gian đó, nhiều quy định của pháp luật khác có liên quan đã có sự thay đổi, thực tiễn cuộc sống cũng phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có quy định dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.
Đơn cử, nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP còn quá rộng, chưa cụ thể cho đối tượng khoáng sản bảo vệ. Trong khi đó, phương pháp kỹ thuật, khối lượng, cơ sở xác định kinh phí, thời gian thực hiện và tổ chức nghiệm thu, thanh toán... chưa được quy định.
Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản năm 2010 chưa phân định quy trình, thủ tục, hồ sơ lập quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các loại, nhóm khoáng sản khác nhau dẫn đến thủ tục cấp phép cùng phức tạp, kéo dài. Luật Đấu giá tài sản ban hành năm 2016 chưa có các quy định riêng đối với các loại tài sản có tính chất rất đặc thù, đồng thời, có nhiều nội dung mâu thuẫn với Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ. Trong đó có 01 vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thúy.
Hay quy định thu hồi đất cho các dự án khai thác khoáng sản tại Luật Đất đai năm 2013 không áp dụng đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác của UBND cấp tỉnh, dẫn đến nhiều trường hợp sau khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác khoáng sản không giải phóng được mặt bằng.
Các khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được các cơ quan QLNN đánh giá, tổng kết để đề xuất sửa đổi tại Luật Đất đai năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024. Đặc biệt, Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ hợp thứ 8, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010, Luật sửa đổi Luật Quy hoạch… Khi các Luật nêu trên được ban hành sẽ cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc đang gặp hiện nay.
Từ góc độ cơ quan QLNN về tài nguyên, môi trường, Bộ có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả công tác quản lý TNKS, phòng ngừa lãng phí trong lĩnh vực này, thưa ông?
Để nâng cao hiệu quả, phòng ngừa lãng phí trong công tác QLNN về TNKS trong thời gian tới, Bộ TNMT có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cùng với Luật Địa chất và khoáng sản đã được thông qua, Quốc hội cần sớm xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Luật Quy hoạch để đồng bộ, thống nhất các nội dung đang còn mâu thuẫn, tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đang gặp phải.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sớm xây dựng và ban hành các Nghị định quy định chi tiết để đảm bảo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ trong QLNN về TNKS.
Thứ hai, tăng cường phân cấp cho các địa phương gắn với quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp trong thực hiện công tác QLNN về TNKS của các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, Chính phủ tăng cường đầu tư công để xây dựng hệ thống quản lý hoạt động khoáng sản quốc gia nhằm hoàn thành mục tiêu của chủ trương xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử trong QLNN về hoạt động khoáng sản, đặc biệt là trong công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản.
Thứ tư, Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác, chế biến TNKS.