Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu địa phương ổn định, tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn.
![Các sản phẩm OCOP đang dần được khách hàng ưa chuộng sử dụng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_14_51450136/b92c6b985ed6b788eec7.jpg)
Các sản phẩm OCOP đang dần được khách hàng ưa chuộng sử dụng.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến hết năm 2024, cả nước đã có 15.590 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 4.534 sản phẩm so với năm 2023). Chương trình OCOP đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu địa phương ổn định, tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Nắm bắt được xu thế đó, hiện nay các địa phương đang có những kế hoạch nhằm hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điển hình như tại tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 178 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm OCOP phát triển thị trường tốt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như: sữa tươi thanh trùng có đường, sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường, sữa chua uống của Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh; nấm đùi gà của Công ty TNHH Nấm Phùng Gia; mật ong hoa rừng, tacumin, đông trùng hạ thảo sữa ong chúa của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo...
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống, chủ lực, lợi thế ở mỗi địa phương. Giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc dự kiến dành kinh phí ngân sách hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình là 32,5 tỷ đồng; trong đó, riêng kinh phí hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình hơn 18 tỷ đồng. Cùng đó, tỉnh hỗ trợ triển khai từ 8-10 điểm giới thiệu và bán hàng lưu động tại trung tâm các huyện, chợ, siêu thị, chung cư, điểm du lịch trên địa bàn; tổ chức tham gia hội chợ OCOP ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương.
Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo là đơn vị đang sở hữu 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao; 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc. Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, Nguyễn Quốc Huy cho biết, đơn vị luôn đặt chất lượng sản phẩm và quyền lợi của khách hàng lên trên hết. Hợp tác xã luôn đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu theo liên kết chuỗi tại nhiều địa phương, đầu tư thiết kế bộ nhãn mác phù hợp để sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường.
![Các sản phẩm OCOP được trưng bày.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_14_51450136/659eba2a8f64663a3f75.jpg)
Các sản phẩm OCOP được trưng bày.
Không chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà tại tỉnh Trà Vinh, trong năm nay chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Cụ thể, tỉnh chọn 7 sản phẩm để hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm với mức tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới 2 cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng; đồng thời, hỗ trợ kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho 7 cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, với mức hỗ trợ 50% kinh phí, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phạm Thanh Tiếng cho biết, thông qua các chính sách, nhiều cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; sản phẩm ngày càng đa dạng. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển chương trình OCOP, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đưa sản phẩm OCOP vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 393 sản phẩm OCOP của 250 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 3 sản phẩm đạt 5 sao, 7 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao, 337 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Năm 2024, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; trong đó, xây dựng 2 cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với tổng số tiền 100 triệu đồng; hỗ trợ gần 1,7 tỷ đồng cho 8 cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất.
Hy vọng rằng với những chính sách hỗ trợ cụ thể của các địa phương trong cả nước, Chương trình OCOP sẽ ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, tích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các miền quê phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp…