Tăng cường công tác quản lý cây xanh trong mùa mưa bão
Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến cây xanh ngã đổ trong mùa mưa bão. Trước tình hình trên, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý cây xanh đô thị nhằm phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho người dân.
Nguy cơ cao
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2025 diễn biến phức tạp. Mùa mưa năm 2025 sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, bắt đầu vào khoảng tuần cuối tháng 4 và kết thúc muộn vào khoảng tuần cuối tháng 11. Thực tế, ngày 10 và 11-4, trên địa bàn tỉnh đã có mưa nhỏ đến mưa vừa trên diện rộng và mưa đá cục bộ tại khu vực xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), với kích thước khoảng 0,5 - 1cm, kéo dài khoảng 5 - 10 phút.

Lực lượng chức năng cắt tỉa cây xanh trên đường ĐT743C, đoạn qua phường Bình Hòa (TP.Thuận An)
Đáng chú ý, mưa giông chiều tối ngày 10-4 đã gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn TP.Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Cụ thể, khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, tại đường N2 thuộc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên I (phường Khánh Bình), mưa giông đã làm cây phượng gãy đổ vào xe máy do anh Trần Vũ E. (sinh năm 2009) điều khiển, làm người ngồi phía sau là chị Tống Thị Ngọc Nh. (sinh năm 2009) cùng quê Cà Mau bị thương nặng và chết tại bệnh viện. Tại huyện Phú Giáo, mưa giông không có thiệt hại về người nhưng làm 19 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1,5 ha cây cao su, cây ăn trái, rau màu bị ảnh hưởng thiệt hại khoảng 20 - 30%; 2 xe ô tô, 1 xe máy bị hư hỏng; 10 trụ đèn chiếu sáng và 71 cây xanh bị gãy đổ, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.
Ngay sau đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Tân Uyên, huyện Phú Giáo và các xã, phường, thị trấn đã huy động lực lượng đưa người bị thương đi cấp cứu; dọn dẹp hiện cây xanh ngã đổ, điều tiết giao thông. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã nhanh chóng hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa; khắc phục sự cố về điện; tổ chức thăm hỏi nạn nhân bị tử vong và các hộ gia đình bị thiệt hại; lập thủ tục, hồ sơ hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo quy định.
Theo đại diện UBND TP.Tân Uyên, nhằm bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng của người dân, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường tăng cường giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, cắt tỉa cây xanh đúng kỹ thuật, vừa bảo đảm an toàn, vừa tạo dáng cây xanh hiện hữu; gia cố cọc chống cây để không bị nghiêng ngả, gãy đổ khi có mưa giông lớn.
Tăng cường quản lý, kiểm tra
Tại TP.Thuận An, hiện có gần 8.500 cây xanh đô thị, trong đó có hơn 6.100 cây xanh bóng mát trồng trên vỉa hè, công viên; hơn 2.200 cây xanh trồng trong trường học… Nhằm phòng ngừa cây xanh sâu bệnh có thể dẫn đến gãy đổ gây mất an toàn cho người dân, ngành chức năng TP.Thuận An rất quan tâm đến công tác quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị. Nói về công tác này, ông Đàm Văn Ngôn, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TP.Thuận An, cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng thành phố thường xuyên bón phân, tưới nước và cắt tỉa cây xanh trên địa bàn. Đầu mùa mưa năm nay, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý cây xanh bị sâu bệnh, có nguy cơ gãy đổ; đồng thời cắt tỉa cây xanh định kỳ, bảo đảm theo quy trình kỹ thuật nhằm phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra khi có thời tiết cực đoan.
Trong khi đó, đại diện Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TP.Dĩ An, cho biết Xí nghiệp Công trình công cộng TP.Dĩ An đang thực hiện công tác chăm sóc công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố với khoảng hơn 17.000 cây xanh, gồm cây xanh đường phố, cây xanh tại các công viên và khu vực Công viên 19-5… Hàng năm, ngành chức năng thành phố đều xây dựng, triển khai kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, nâng tán cây xanh nhằm phòng, chống cây gãy đổ, bảo đảm an toàn giao thông tại 36 tuyến đường do thành phố quản lý và các khu vực công cộng khác. Trước mùa mưa, đơn vị chức năng cũng tổ chức rà soát, thay thế, cắt tỉa cây sâu bệnh, có khả năng gãy đổ trên các tuyến đường, như: Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn An Ninh… để bảo đảm an toàn cho người dân.
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 22-4-2025 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2025.Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát cây xanh trên đường phố, trường học, công viên… để đốn hạ, cắt mé những cây sâu bệnh, có khả năng gãy đổ gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân.