Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng

Các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An đang bước vào cao điểm của mùa nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy, nổ là rất lớn. Để phòng ngừa, góp phần giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại do 'bà hỏa' gây ra, ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp PCCC&CNCH toàn diện trên địa bàn.

Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/12/2024, qua kiểm tra, trên địa bàn còn tồn tại 67 công trình vi phạm về PCCC. Trong đó, 22 công trình đã hoàn thành công tác thẩm duyệt thiết kế nhưng chưa nghiệm thu, đang tổ chức thi công; 26 công trình đang thiết kế để đề nghị thẩm duyệt, 3 công trình đang cải tạo để giảm quy mô và 16 dự án không thực hiện việc khắc phục tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Lực lượng PCCC&CNCH kịp thời khống chế đám cháy xảy ra tại huyện Tương Dương (tháng 3/2025).

Lực lượng PCCC&CNCH kịp thời khống chế đám cháy xảy ra tại huyện Tương Dương (tháng 3/2025).

Đơn cử, một số dự án không tiến hành khắc phục sai phạm theo hướng dẫn là Xí nghiệp gạch Tuynel Đô Lương tại xã Nhân Sơn; huyện Đô Lương của Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera, Xưởng gỗ của Công ty TNHH Nguyên Nghĩa tại thị trấn Đô Lương của Công ty TNHH Nguyên Nghĩa; Xưởng gỗ của Công ty TNHH Thái Lộc An tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc của Công ty TNHH Thái Lộc An; Trung tâm thương mại và văn phòng của Công ty CP Đầu tư Thành Công tại phường Nghi Phú (TP Vinh); Dự án trường Mầm non Bồng Khê do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư tại xã Bồng Khê... Tại các dự án này, lực lượng PCCC đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục để tiếp tục hoạt động nhưng đều bị phớt lờ.

Bên cạnh đó, loạt dự án chưa được thẩm duyệt hồ sơ về PCCC nhưng vẫn đưa vào hoạt động, có thể kể đến là Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 2 - Việt Nam tại phường Nghi Thu, TX Cửa Lò; Nhà văn phòng làm việc nhà máy may An Hưng tại xã Công Thành, huyện Yên Thành; Showroom ôtô Nissan tại phường Hưng Phúc (TP Vinh); Khu nhà văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại của Công ty CP Kinh doanh tổng hợp Đô Lương tại thị trấn Đô Lương; Công ty CP Golf biển Cửa Lò tại phường Nghi Hương, TP Vinh... các doanh nghiệp này qua kiểm tra, phát hiện sai phạm đều đã bị xử phạt hành chính số tiền từ 45.000.000 - 102.000.000 đồng nhưng đều chậm trễ trong việc khắc phục tồn tại.

Để giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại đến mức thấp nhất khi có cháy, nổ xảy ra, nhất là trong điều kiện mùa nắng nóng kéo dài, đồng thời xử lý dứt điểm các công trình đưa vào sử dụng, hoạt động chưa được nghiệm thu về PCCC trên địa bàn, bảo đảm công tác phòng ngừa cháy nổ, góp phần bảo đảm ANTT, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục tồn tại, kịp thời hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối với các công trình, dự án chây ỳ việc khắc phục tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của ngành chức năng, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị lập hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính, kiên quyết đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các công trình không thể khắc phục, cơ quan chức năng hướng dẫn để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc ngành nghề kinh doanh, đồng thời nghiên cứu áp dụng các biện pháp khả thi đối với các cơ sở vi phạm cố tình hoạt động trái quy định.

Ngoài ra, nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo PCCC trong mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mới đây địa phương này tiếp tục có chỉ đạo "nóng" trong việc siết chặt các quy định liên quan đến cháy nổ. Theo số liệu báo cáo, từ đầu năm đến nay mặc dù không xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tuy nhiên số vụ cháy và sự cố cháy còn xảy ra nhiều.

Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 18 vụ cháy, 43 sự cố cháy, mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng các sự vụ nói trên nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến lây lan, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chính là do bất cẩn trong sử dụng điện, nguồn nhiệt; nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về PCCC.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về PCCC, UBND tỉnh Nghệ An giao trách nhiệm cho Công an tỉnh, nắm chắc tình hình, khảo sát địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao; nhất là khu vực người dân sử dụng lán trại, nhà tạm, khu vực thuộc diện giải tỏa làm nơi ở trái phép, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công an Nghệ An chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, bình chữa cháy, mở lối thoát nạn thứ hai, trang bị các dụng cụ, phương tiện phục vụ thoát nạn.

Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH trên địa bàn; trong đó, tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư có hoạt động kinh doanh tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng… trên địa bàn; cử cán bộ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng điện, các phương tiện giao thông sử dụng pin Li-on an toàn; khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất; hạn chế đến mức tối đa nguyên nhân cháy, nổ do chập điện gây ra.

Quá trình triển khai, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định.

Nghệ An là địa phương hằng năm xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn về tài sản, cá biệt có vụ việc còn gây thiệt hại về người. Để hạn chế tình trạng này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu ngàng chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá đối với các khu rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn để kịp thời phát hiện, đôn đốc, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm. Trọng tâm là huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc thu dọn thực bì và phát quang, tạo đường băng cản lửa đối với khu rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn. Khuyến cáo các hộ gia đình không tích trữ xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng để phục vụ sinh hoạt.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân tại các địa bàn có rừng không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, xử lý thực bì tại các khu rừng và xung quanh khu vực rừng trong thời gian cao điểm về nắng nóng. Củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình đảm bảo an toàn PCCC&CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn quản lý, nhất là mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng"… Cùng với đó, đến nay toàn tỉnh cũng đã lắp đặt và kích hoạt hệ thống camera với 12 mắt để nâng cao hiệu quả phòng, chống cháy rừng.

Với những giải pháp đồng bộ đó, tỉnh Nghệ An kỳ vọng mùa nắng nóng năm nay sẽ nâng cao được ý thức của toàn thể nhân dân và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, qua đó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ việc liên quan đến cháy, nổ trên địa bàn. Tỉnh Nghệ An cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố ý, lơ là trong công tác PCCC&CNCH dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, qua đó từng bước thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác PCCC trên địa bàn.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tang-cuong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-mua-nang-nong-i767368/
Zalo