Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người dân

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 259/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II/2025.

Việc xử lý vi phạm cần nhằm mục tiêu hình thành thói quen tuân thủ pháp luật cho người dân, thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: VTC News

Việc xử lý vi phạm cần nhằm mục tiêu hình thành thói quen tuân thủ pháp luật cho người dân, thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: VTC News

Kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Trong quý I/2025, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, gây áp lực lớn đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT trên cả nước cơ bản được bảo đảm.

Đáng chú ý, tai nạn giao thông trong quý I đã được kéo giảm ở cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2024. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn từng bước được kiểm soát. Đặc biệt, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn và tốc độ trong các dịp cao điểm đã giảm rõ rệt nhờ công tác kiểm tra, xử lý được tăng cường.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn chỉ ra rằng tình hình tai nạn giao thông vẫn còn phức tạp. Một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cho thấy vẫn còn những hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và đổi mới cách làm trong việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động bám sát các quy định trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, các Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng để triển khai kế hoạch một cách đồng bộ, hiệu quả.

Thứ nhất, Bộ Công an được giao nhiệm vụ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Việc xử lý vi phạm cần nhằm mục tiêu hình thành thói quen tuân thủ pháp luật cho người dân, thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, Bộ Công an cần tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới về đầu tư, quản lý và sử dụng các thiết bị giám sát hành trình và ghi hình người lái xe, nhằm ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời.

Thứ hai, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy mạnh đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, các tuyến cao tốc đang khai thác cũng cần được nâng cấp, hoàn chỉnh theo quy hoạch. Bộ cũng được yêu cầu chủ trì rà soát toàn bộ hệ thống quốc lộ và hướng dẫn các địa phương rà soát các tuyến đường khác để kịp thời xử lý các bất cập về biển báo, đèn tín hiệu và tổ chức giao thông.

Thứ ba, về công tác giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chương trình giảng dạy về TTATGT cho học sinh các cấp. Nội dung giáo dục cần khoa học, hệ thống, sát thực tiễn, đặc biệt chú trọng đến nhóm học sinh từ 16 đến 18 tuổi – đối tượng có thể điều khiển xe máy điện hoặc xe máy dưới 50 cm³. Việc đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn phải bảo đảm chất lượng, giúp các em có đủ năng lực tham gia giao thông độc lập, an toàn.

Thứ tư, Ủy ban ATGT Quốc gia được yêu cầu ban hành hướng dẫn xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm (lễ, Tết, mùa du lịch...) để các địa phương chủ động triển khai phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác tuyên truyền, truyền thông về TTATGT cần được tiếp tục duy trì liên tục bởi các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của từng ngành, từng cấp.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương. Trong bối cảnh đang sắp xếp lại bộ máy tổ chức, các địa phương cần đặc biệt lưu ý không để gián đoạn công tác đảm bảo TTATGT. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành phải được duy trì thường xuyên, nhất là trong dịp cao điểm du lịch Hè 2025.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-nang-cao-y-thuc-cua-nguoi-dan-419769.html
Zalo