Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đánh thức tiềm năng, tạo động lực cất cánh cho cả vùng
Đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng giúp biến dư địa tăng trưởng thành đường băng cất cánh cho cả vùng, góp phần cùng đất nước vươn mình


Ngày 19/4/2025, tỉnh Ninh Bình vừa phối hợp với các đơn vị chính thức bấm nút khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình trị giá gần 7.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án trên đi qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài 25,3km; quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; tốc độ thiết kế 120km/h. Toàn tuyến sẽ có 12 cầu, trong đó có 3 cầu vượt dân sinh, 3 nút giao liên thông. Tổng mức đầu tư là 6.865 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Ninh Bình. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2026 (rút ngắn so với dự kiến ban đầu 3 năm).

"Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết hợp với trục đường Bái Đính - Kim Sơn ven sông Đáy hình thành một hành lang kinh tế Đông - Tây phía Bắc của tỉnh Ninh Bình theo quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Phạm Quang Ngọc cho biết.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết nghị về việc bố trí nguồn vốn để hoàn thành dự án đoạn qua Ninh Bình từ 3 năm xuống còn 2 năm với mục tiêu rút ngắn thi công, hoàn thành dự án trong năm 2026.
Sáng 12/5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh Thái Bình và vùng.
"Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, tôi đã có cuộc làm việc với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, trong đó xác định nút thắt về giao thông kết nối, để tháo gỡ thì phải có tuyến đường cao tốc kết nối giữa 4 địa phương, kết nối với cửa khẩu, sân bay, cảng biển, kết nối với 3 cực tăng trưởng phía bắc là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng và kết nối quốc tế, từ đó tạo đột phá phát triển cho các địa phương", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng sẽ góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh, tạo động lực, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, cho vùng Duyên hải Bắc Bộ; phát triển của các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; khai thác hiệu quả quỹ đất; thúc đẩy giao lưu, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ; bảo đảm an ninh quốc phòng; góp phần thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng; góp phần tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung và nâng cao đời sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt của các tỉnh, thành phố và cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý triệt để nền đất yếu, bảo đảm nguồn vật liệu trong bối cảnh khan hiếm, kiểm soát chặt chất lượng, tiến độ, tránh lãng phí, tiêu cực, đồng thời chăm lo đời sống người dân nhường mặt bằng. "Nhà thầu phải vượt nắng thắng mưa, bộ ngành phải tháo gỡ vướng mắc, dự án hoàn thành càng sớm thì khu vực càng có lợi", Thủ tướng nói. Theo yêu cầu của Thủ tướng, tuyến cao tốc Nam Định - Thái Bình phải được hoàn thành sớm ít nhất 6 tháng, cố gắng đưa vào khai thác trong năm 2026 để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Hồng.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Nam Định và Thái Bình) có chiều dài khoảng 60,9km, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Điểm đầu dự án tại Km19+300 (đầu cầu vượt sông Đáy, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), điểm cuối tại Km80+200 (nút giao quốc lộ 37 mới và đường ven biển, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, Thái Bình). Đoạn qua Thái Bình dài trên 33km, đi qua 19 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Kiến Xương. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2027 với tổng mức đầu tư gần 19.800 tỷ đồng. Dự án cần phải thu hồi 538ha đất, trong đó, 453ha đất nông nghiệp và 8,9ha đất ở.

Ghi nhận thực tế, cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định khởi công xây dựng từ tháng 9/2023, cầu vượt sông Đáy là một trong những hạng mục trọng điểm nằm trong tổng thể tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (tuyến CT.08). Dự án được thi công trên địa bàn huyện Yên Khánh (Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành và đã đưa vào khai thác tạm thời.
Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, đoạn cao tốc qua tỉnh Ninh Bình (nơi kết nối trực tiếp với cầu) dự kiến khởi công trong tháng 4/2025, hoàn thành trong năm 2026. Các đoạn còn lại đi qua Nam Định và Thái Bình dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Toàn tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2028.


Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình, theo phương thức đầu tư công, có tổng mức đầu tư là 19.784,55 tỷ đồng. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, nền đường rộng 24,75 m, mặt đường cấp cao A1. Tuyến đường có chiều dài khoảng 60,9 km, đoạn qua Nam Định dài 27,6 km, quan Thái Bình dài khoảng 33,3 km.
Điểm đầu dự án ở Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), điểm cuối ở khoảng Km80+200 tại nút giao giữa Quốc lộ 37 và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trên tuyến chính của dự án có 23 cầu với tổng chiều dài trên 7.346 m (trong đó địa phận tỉnh Nam Định có 14 cầu với tổng chiều dài 3.894,13 m). Có 4 công trình cầu vượt ngang với tổng chiều dài 853,6 m (trong đó địa phận tỉnh Nam Định có 2 cầu là cầu vượt nút giao đường tỉnh 489 C và cầu vượt ngang tại vị trí Km33+445,07). Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 538,44 ha. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028 do Tập đoàn Geleximco thực hiện.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối với các tuyến đường lớn như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới và các trục phát triển kinh tế khác như đường trục kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến Nam Định - Lạc Quần, tuyến Thái Bình - Cồn Vành. Dự án cũng giúp kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương Duyên hải Bắc Bộ.

“Tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng qua Nam Định, Thái Bình có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực phía Nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và các tỉnh Duyên hải vùng Đồng bằng sông Hồng. Việc đầu tư tuyến cao tốc cùng mở ra không gian phát triển mới cho phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng trong thời gian tới. Đồng thời, giúp giảm chi phí logistics và đảm bảo an toàn giao thông. Việc đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối trong tỉnh cũng như với Hà Nội, cảng Hải Phòng, các tỉnh và thành phố lân cận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như chúng tôi rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thương. Dự án này đi qua những khu vực phía Nam Đồng bằng sông Hồng, đánh thức tiềm năng, thế mạnh “vàng” để phát triển cho cả vùng", ông Trần Anh Dũng chia sẻ.
Trước những lợi thế khi dự án đi vào hoạt động, thời gian qua, tỉnh Nam Định cũng đã tiếp tục thực hiện các công tác nhằm hiện đại hóa mạng lưới giao thông, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của địa phương. Nam Định đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (với chiều dài toàn tuyến là 33 km, có 8 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025), nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng)...
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định). Đẩy nhanh tiến độ, thông xe cầu Bến Mới nối Nam Định với Ninh Bình và cầu Đống Cao vượt sông Đào, chuẩn bị thủ tục khởi công xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ...Với chủ trương giao thông đi trước một bước, Nam Định đã và đang ưu tiên, huy động nhiều nguồn để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả kết nối nội và ngoại vùng, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội.


Ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ: “Cao tốc CT.08 là tuyến cao tốc đầu tiên đi qua địa phận tỉnh Thái Bình, với phương châm đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, ngay khi nắm được chủ trương thực hiện dự án, chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện các bước, trình tự thủ tục để triển khai dự án. Tỉnh Thái Bình đã bổ sung quy hoạch các khu tái định cư để phục vụ công tác GPMB thực hiện dự án; UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án; tiến hành rà soát các mỏ cát phục vụ thi công dự án; cập nhật dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đang tiến hành xây dựng khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư…Với mỗi dự án triển khai thì tỉnh Thái Bình luôn xác định rõ sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, các địa phương trong vùng dự án CT.08 đang tập trung các giải pháp, tuyên truyền, vận động tạo sự ủng hộ cao nhất của nhân dân trong công tác GPMB”.

Theo Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, từ khi biết có dự án cao tốc qua tỉnh, nhân dân rất phấn khởi và kỳ vọng khi tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ kết hợp với hàng loạt các tuyến giao thông trọng điểm khác như: tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường trục chức năng trong các khu tinh tế lớn của tỉnh Thái Bình sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối Thái Bình với các trung tâm logistics như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
“CT.08 đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 33km, đi qua 10 xã của huyện Kiến Xương và 9 xã của huyện Thái Thụy . Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là đón bẩy quan trọng để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã đang xây dựng tại tỉnh Thái Bình. Trong các cuộc họp triển khai dự án, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương tinh thần quyết tâm cao của tỉnh Thái Bình. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã sẵn sàng các phương án để khởi công dự án. Dù chưa triển khai trên thực địa nhưng dự án CT.08 nhận được sự ủng hộ cao trong nhân dân. Điều này thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình cũng như sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai dự án. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Thái Bình triển khai dự án thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh.


TS Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cho rằng: "Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, khu vực Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, kết nối các tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Hồng. Việc đầu tư tuyến cao tốc sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ".

Theo TS Đào Huy Hoàng, vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên 21.278,6 km2, chỉ chiếm 6,42% diện tích của cả nước, nhưng đây là vùng có quy mô dân số lớn, với 23,45 triệu người (năm 2022 chiếm 23,6% số dân của cả nước và đóng góp 29,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ. Tỷ lệ đô thị hóa: 37,6%, tương đương bình quân cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ (66,9%). Trong giai đoạn vừa qua, vùng đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.
Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tầm nhìn và mục tiêu phát triển, trong đó: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vựcvà quốc tế, phát huy tối đa những lợi thế của vùng và tác động lan tỏa của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế và các cảng quốc tế. Tổ chức không gian phát triển vùng phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng.
Mục tiêu đến năm 2030: Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn vùng, các tuyến đường bộ kết nối, các tuyến vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường bộ ven biển. Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoàn thiện hạ tầng các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội. Hạ tầng cấp điện, năng lượng bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại tương đương trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước và phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Việc Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc qua khu vực đáy đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối nội vùng, kết nối vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Ngoài ra với việc đầu tư Dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng sẽ tạo đà tăng tốc phát triển kinh tế xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng", TS Đào Huy Hoàng chia sẻ.
Cùng với đó, vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và là một trong 4 vùng động lực phát triển kinh tế gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Bốn địa phương vùng Nam đồng bằng sông Hồng là Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đã và đang từng bước khai thác thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch canh nông (nông nghiệp - nông thôn). Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nêu rõ, đến năm 2030, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tuy nhiên, vùng cũng như tiểu vùng đang đối mặt với nhiều vấn đề, tồn tại cần giải quyết như tốc độ đô thị hóa diễn ra chậm so với tốc độ mở rộng không gian đô thị,…Đặc biệt, liên kết liên tỉnh, thành phố trong bố trí phát triển, tổ chức không gian còn chưa rõ; còn có khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương.
Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có bờ biển nối liền, trải dài gần 150 km; có hàng nghìn ha bãi bồi và vùng thềm lục địa rộng lớn. Đó là tiềm năng, lợi thế. Để hướng tới tăng trưởng xanh về kinh tế biển vùng Nam đồng bằng sông Hồng, cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, môi trường biển ở từng tỉnh, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa công tác quản lý và phát triển kinh tế khu vực ven biển. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng giúp kết nối gần hơn giữa cực tăng trưởng đang rất sôi động là Hải Phòng - Quảng Ninh với tuyến cao tốc Bắc Nam và các vùng như Bắc Trung Bộ, Nam đồng bằng sông Hồng.... Việc này giúp đi lại thuận tiện hơn, hình thành rất nhiều các khu công nghiệp, sử dụng nguồn lực thông qua kết nối giao thông đường bộ. Lợi ích rất to lớn để phát triển các vùng miền xuyên qua trục giao thông mới này và sẽ hình thành thêm các nhánh, các đường xương cá đến các vùng khác. “Điều này cho thấy dư địa của phía Nam đồng bằng Sông Hồng là rất lớn, việc đầu tư xây dựng dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng kết nối với các tuyến đường khác trong mạng lưới thúc đẩy phát triển các loại hình vận tải sẽ tạo động lực cất cánh cho vùng, tiểu vùng đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở đó góp phần đạt mục tiêu 5000 km đường cao tốc vào năm 2030, cũng như tạo động lực giúp đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc”, TS Đào Huy Hoàng nhấn mạnh.
