Tăng cường bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi lợn

Toàn tỉnh hiện có khoảng 750 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 14 trang trại chăn nuôi quy mô hơn 1.500 con lợn thịt được phê duyệt hồ sơ môi trường. Các trang trại này nằm ở khu chăn nuôi tập trung và có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm quy định. Một số trang trại của các Công ty TNHH lợn giống Dabaco, Công ty cổ phần tổng hợp Hà Nam... được doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy ép phân, hệ thống hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải công nghệ vi sinh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ hình thành trước năm 2020, tất cả đều nằm xen trong khu dân cư. Mặc dù, các trang trại này đều đã xây dựng hầm biogas, hồ sinh học, sử dụng đệm lót sinh học nhưng thực tế mật độ chăn nuôi lớn, thể tích chưa đạt yêu cầu, vì vậy vẫn xảy ra tình trạng chất thải không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường.

Công ty cổ phần nông sản Đức Tín (Bình Lục) xây dựng hồ điều hòa bảo đảm tiêu chuẩn quy định về bảo vệ môi trường.

Công ty cổ phần nông sản Đức Tín (Bình Lục) xây dựng hồ điều hòa bảo đảm tiêu chuẩn quy định về bảo vệ môi trường.

Trước tình trạng chất thải từ chăn nuôi lợn của các trang trại gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực, thời gian qua các cấp, ngành ở tỉnh ta đã phối hợp với cơ sở chăn nuôi thực hiện nhiều giải pháp khắc phục. Cụ thể các cấp, ngành tiến hành rà soát số hộ, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn quản lý và phân loại theo quy mô chuồng trại để yêu cầu chủ hộ, doanh nghiệp có biện pháp xử lý chất thải, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những trang trại gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy trình, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi mới, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp đã khuyến khích các trang trại xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, tái sử dụng chất thải để sản xuất phân bón và hỗ trợ mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương phổ biến sổ tay hướng dẫn thực hiện biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tháng 10/2024.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chăn nuôi, bảo vệ môi trường; đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với trang trại quy mô lớn khi có đề nghị của chủ cơ sở; tổ chức kiểm tra điều kiện về trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ (tần suất 3 năm một lần) theo quy định của Luật Chăn nuôi. Trong quá trình kiểm tra kết hợp với hướng dẫn, phổ biến biện pháp xử lý môi trường, yêu cầu cơ sở bổ sung biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và xử phạt hành chính những vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường đối với trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn và phối hợp, hướng dẫn chủ cơ sở có phương án thu gom, xử lý chất thải, nước thải phát sinh trước khi xả thải ra môi trường. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức ra quân khơi thông cống rãnh và triển khai ký cam kết với hộ chăn nuôi không xả chất thải, nước thải, vứt xác động vật chết ra môi trường; thu gom xử lý chất thải trong chăn nuôi và chôn lấp xác động vật chết bảo đảm môi trường; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với những trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường theo đúng thẩm quyền và quy định. Điển hình như, ở các xã Bồ Đề, Đồng Du (Bình Lục)... đã áp dụng mức xử phạt từ 700 nghìn – 2 triệu đồng/trang trại. Nhờ đó hầu hết các chủ trang trại đều đã thực hiện kịp thời những biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Lã Đức Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông sản Đức Tín, cho biết: Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam mỗi ngày số lượng lợn nhập về từ 1.500 – 2.000 con, sau đó lợn được xuất bán ra các khu vực ngoài tỉnh. Để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, vừa qua doanh nghiệp đã ký cam kết với UBND xã Bình An (Bình Lục) xây dựng hệ thống thu gom, bể lắng lọc, lắp đặt trang thiết bị xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đáp ứng yêu cầu xử lý, thu gom phân để ép phục vụ trồng trọt bảo đảm theo quy định.

Quan tâm, trao đổi thêm về vấn đề này, bà Hàn Thị Kim Oanh (Bí thư Đảng ủy xã Liêm Túc, Thanh Liêm) cho biết: Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh BH23 do chất thải chăn nuôi lợn ở vùng giáp ranh hai huyện Thanh Liêm và Bình Lục, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn và yêu cầu các huyện tiến hành rà soát, kiểm tra việc thu gom chất thải của những cơ sở chăn nuôi lợn dọc kênh BH23. Theo đó, tuyến kênh đã được tổ chức khơi thông, nạo vét; từ đó góp phần tăng khả năng lưu thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, kiên quyết xử lý các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo quy định, kiến nghị cấp có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của cơ sở chăn nuôi, điểm trung chuyển tự phát, không nằm trong quy hoạch.

Thời gian tới, để quản lý chặt chẽ nguồn xả thải từ các trang trại chăn nuôi lợn, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, về phía các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thường xuyên kiểm tra giám sát và lắp đặt, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiên quyết không để hộ chăn nuôi trang trại trong khu dân cư; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp xả thải trực tiếp ra môi trường.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/tang-cuong-bao-ve-moi-truong-tai-cac-trang-trai-chan-nuoi-lon-147781.html
Zalo