Khó xảy ra nguy cơ thiếu thịt heo

Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định vài tuần nữa cơ bản cung - cầu sẽ cân đối

Tuần tước, giá heo hơi và heo thịt ở TP HCM bất ngờ tăng vọt nhưng đến nay đã phần nào hạ nhiệt. Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn

(TP HCM) ngày 12-2, lượng heo mảnh về chợ dưới 3.500 con/ngày, đạt khoảng 70% ngày thường do sức mua ở chợ đầu năm còn ở mức thấp. Giá heo giảm khoảng 2.000 đồng còn 93.000 đồng/kg (loại 1) và 87.000 đồng/kg (loại 2). Trong khi đó, ở miền Bắc, thương lái ở chợ đầu mối vẫn phải "giành nhau" mới mua được heo.

Sản lượng giảm đột ngột

Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (tỉnh Hà Nam), sản lượng heo về chợ thấp, chưa được 1/10 so với trước Tết; hơn nữa trọng lượng nhỏ dao động từ 80-90 kg/con, về đến đâu hết đến đó. Một ngày bình quân ở chợ chỉ giao dịch khoảng 400-500 con, thấp hơn nhiều so với ngày thường. Chưa kể nhiều thương lái từ miền Nam ra chợ ở Hà Nam để gom heo đưa vào nên nguồn hàng càng khan hiếm. "Ngày nhiều, 2-3 xe heo về chợ, ngày ít chỉ có 1 xe" - ông Chinh thông tin.

Thịt heo kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) .Ảnh: AN NA

Thịt heo kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) .Ảnh: AN NA

Theo giới kinh doanh, giá heo sau Tết tăng mạnh, đi ngược với diễn biến mọi năm là sau Tết giá giảm do nhu cầu hạn chế. Hiện giá heo hơi đang ở mức cao nhất kể từ năm 2023. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, lý giải nguồn cung heo đang bị thiếu là do ảnh hưởng dịch bệnh xảy ra trong giai đoạn quý II, quý III/2024. "Không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ bị tác động mà doanh nghiệp, trang trại lớn cũng chịu ảnh hưởng nên số lượng heo giảm nhiều so với năm ngoái" - ông Bá lý giải nguyên nhân giá heo tăng, nguồn cung khan hiếm.

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết thời gian gần đây có nhiều khách hàng mới liên hệ công ty để mua heo. Những khách hàng này trước đây mua heo hơi của dân (ngoài hệ thống của các công ty chăn nuôi) nhưng nay nguồn này ngưng chăn nuôi. "Trước đây, heo từ các công ty chiếm 20%, heo của dân là 80%. Nay heo từ người nuôi nhỏ lẻ giảm rất nhiều nhưng số liệu thống kê chưa cập nhật kịp. Do thấy số liệu thống kê đàn heo của Việt Nam lớn nên 2 năm nay công ty chúng tôi không dám tăng đàn, sợ cung vượt cầu" - ông Huy lý giải.

Cũng theo ông Huy, tháng giêng là thấp điểm tiêu thụ thịt heo do các công ty chưa hoạt động 100% và nhiều người ăn chay nhưng nay giá heo hơi lại tăng do nguồn cung giảm mạnh hơn giảm cầu. Từ tháng 2 đến nay, heo C.P đã tăng giá 2 lần, mỗi lần 1.000 đồng/kg, hiện ở mức từ 64.000 - 71.000 đồng/kg (tùy loại). "Giá heo tăng cao là do nguồn cung thiếu và thị trường sẽ điều chỉnh theo hướng giảm cầu, tăng sử dụng các loại đạm thay thế (trứng, gia cầm, thủy sản) và tăng lượng thịt heo nhập khẩu (thời gian hàng về chỉ khoảng 20 ngày)" - ông Huy lý giải.

Về việc tăng đàn, đại diện C.P cho biết giá heo hơi hiện rất hấp dẫn nhưng các doanh nghiệp bắt đầu từ bây giờ phải 18 tháng đến 2 năm mới có heo xuất chuồng. Lý do thủ tục xin phép chăn nuôi rất phức tạp và các công ty chăn nuôi cần nuôi từ heo nái mới có heo con để nuôi thành heo thịt. "Khối tư nhân phát triển đàn nhanh hơn nhưng cũng phải 1 năm mới có sản phẩm" - ông Huy chia sẻ.

Chỉ xảy ra trong ngắn hạn

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, khẳng định giá heo ở mức trên 70.000 đồng/kg là nằm trong vùng kiểm soát, nằm trong quy luật bình thường, không có bất thường. Ông dự báo khoảng tháng sau, giá heo sẽ giảm khi nguồn cung được đáp ứng. "Tôi khẳng định không thiếu heo trong giai đoạn hiện nay" - ông nhấn mạnh.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê và tổng hợp báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tại thời điểm cuối tháng 12-2024, đàn heo khoảng 31,08 triệu con (bao gồm khoảng 4,48 triệu heo con chưa tách mẹ), tăng khoảng 3,3% (đạt 97% so với kế hoạch năm 2024) - nếu không tính heo con chưa tách mẹ, theo số liệu ước tính của tổng cục, đàn heo đạt 26,59 triệu con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thông tin trong tháng 2, giá heo ước tính tăng tới 37% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do sau Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm phục vụ tiêu dùng, lễ hội tăng từ 10%-15% nên tạo khoảng trống nhỏ về cung - cầu. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định vài tuần nữa cơ bản cung - cầu sẽ cân đối vì hiện nay tổng đàn, con giống, nguồn thức ăn cơ bản được bảo đảm để phục vụ tăng năng suất, đẩy mạnh tái đàn và sẽ không thiếu thịt heo trong thời gian tới. "Nhiều gia đình trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã dự trữ thịt heo và các thực phẩm trong tủ lạnh, do vậy tuyệt đối không có tình trạng thiếu thịt heo. Và thiếu hụt nguồn cung như phản ánh cũng chỉ diễn ra ở thời điểm ngắn hạn" - ông Thắng nhấn mạnh. Giá tăng bảo đảm người chăn nuôi có lãi, tái đàn; không ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Cục Chăn nuôi sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, giảm chi phí thú y: xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Xây dựng và khuyến khích liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã; gia công cho doanh nghiệp để giảm chi phí đầu vào, chia sẻ công bằng lợi nhuận kinh tế gữa các tác nhân tham gia chuỗi, giảm rủi ro đầu ra, lấy doanh nghiệp là trung tâm để hỗ trợ và dẫn dắt chuỗi.

Thịt nhập sẽ khó tăng đột biến

Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, hiện nay nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến. Các mặt hàng nhập khẩu trong thời gian tới chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu, bò tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...

LÊ THÚY - NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-xay-ra-nguy-co-thieu-thit-heo-196250212210325041.htm
Zalo