Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ

Nhằm bảo vệ hàng hóa xuất khẩu tại thị trường Ấn Độ, việc tăng cường cảnh báo sớm, ứng phó từ xa cần được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.

Xu hướng gia tăng điều tra thuế từ Ấn Độ

Là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, việc thị trường Ấn Độ liên tục khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đặt ra những thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, ứng phó từ sớm.

Thép là một trong những mặt hàng vào tầm ngắm điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Hòa Phát

Thép là một trong những mặt hàng vào tầm ngắm điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Hòa Phát

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt gần 3,78 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,37 tỷ USD, tăng 13,1%. Các nhóm hàng chủ lực bao gồm điện thoại và linh kiện (588 triệu USD), sản phẩm điện tử (349 triệu USD), máy móc thiết bị (201 triệu USD)...

Tuy nhiên, song song với đà tăng trưởng thương mại, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với một thực tế đầy thách thức khi thị trường này gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.

Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho thấy, tính đến tháng 4/2025, Ấn Độ đã khởi xướng tổng cộng 39 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, trong đó có 27 vụ chống bán phá giá, 6 vụ chống trợ cấp và 6 vụ tự vệ. Các sản phẩm bị điều tra trải dài từ thép, ống đồng, sợi nhựa, kính năng lượng mặt trời đến gỗ MDF...

Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, dù Ấn Độ có quy định chọn mẫu trong điều tra, nhưng trên thực tế thường áp dụng điều tra diện rộng. Điều này có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp liên quan đều phải trả lời bản câu hỏi, đồng thời mỗi doanh nghiệp sẽ bị tính thuế riêng dựa trên dữ liệu mà họ cung cấp.

Không những vậy, cơ quan điều tra Ấn Độ có xu hướng áp đặt, lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có những kết luận chưa thuyết phục/không phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc, duy trì ổn định xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, thời gian qua Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai đồng bộ các biện pháp. Trọng tâm là nâng cao năng lực cảnh báo sớm, theo dõi sát biến động thị trường và cập nhật danh sách các mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra.

Không dừng lại ở cảnh báo, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã và đang tích cực tham vấn, làm việc với cơ quan điều tra nước ngoài để phản ánh quan điểm của Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, cơ chế phối hợp liên ngành cũng được tăng cường. Cụ thể, các cơ quan địa phương đã tăng cường giám sát hoạt động doanh nghiệp, cảnh báo kịp thời; các hiệp hội ngành hàng cũng tích cực hỗ trợ thông tin điều tra phòng vệ thương tới doanh nghiệp thành viên.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước và sử dụng nguyên liệu không bị áp dụng phòng vệ thương mại.

Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến phòng vệ thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Phương Trang

Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến phòng vệ thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Phương Trang

Chủ động phòng ngừa và cảnh báo sớm

Trong năm 2025, nền kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động, đăc biệt là chính sách thuế toàn cầu. Các quốc gia có xu hướng đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trước các quy tắc toàn cầu mới về thuế để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngoài việc phải đối diện với số lượng vụ việc gia tăng còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng phức tạp hơn. Mặt khác, các thị trường ngày càng đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn như yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng...

Thực tiễn trên cho thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam không thể bị động chờ đến khi bị điều tra mới tìm cách phản ứng. Thay vào đó, phòng vệ thương mại cần được xem là một phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh quốc tế. Và chính sự chủ động phòng ngừa sẽ là "chìa khóa" để giữ vững thị trường, bảo vệ thương hiệu và nâng tầm xuất khẩu Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả trước các vụ việc, bảo vệ tăng trưởng xuất khẩu vốn được xem là một trong ba trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc đồng bộ từ hiệp hội ngành hàng, cơ quan địa phương tới các Bộ ngành.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, cơ quan địa phương cần tăng cường theo dõi thông tin cảnh báo sớm và thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động tại địa phương về các nguy cơ điều tra thuế của các thị trường. Quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh; cung cấp thông tin đúng thời hạn, phố hợp tham gia thẩm tra trong trường hợp xử lý vụ việc điều tra…

Phía hiệp hội cần theo dõi cảnh báo sớm cho doanh nghiệp; định hướng chiến lược chung và khuyến khích doanh nghiệp tham gia khi bị điều tra để đảm bảo lợi ích chung của cả ngành, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin cho Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp, theo Cục Phòng vệ thương mại, cần tìm hiểu quy định, thủ tục, thực tiễn điều tra của thị trường; triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường sử dụng nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…

Với phương châm "phòng từ sớm, từ xa", Cục Phòng vệ thương mại đang theo dõi khoảng 40 nhóm mặt hàng xuất khẩu và định kỳ công bố cảnh báo đối với 10 sản phẩm trọng điểm như: Gỗ dán, đệm mút, lốp xe, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, tủ gỗ, ghim dập, pin mặt trời...

Cùng với đó là việc tư vấn pháp lý, hướng dẫn quy trình điều tra, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó với xu hướng điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu, trong đó có Ấn Độ,

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-canh-bao-tu-som-tu-xa-cho-doanh-nghiep-khi-an-do-siet-phong-ve-386870.html
Zalo